.
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 322

Ngoại ngữ vẫn còn là rào cản

.

Từ năm 2005 đến nay, số giảng viên của ĐH Đà Nẵng được đào tạo ở nước ngoài theo đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (gọi tắt là Đề án 322) chỉ khoảng 10 người. Đây là một con số khá khiêm tốn so với số lượng giảng viên đi du học bằng những nguồn học bổng khác.

Đào tạo ngoại ngữ cho các ứng viên của đề án 322 tại Viện Anh ngữ (ELI) Đại học Đà Nẵng.

Hiện nay, ĐH Đà Nẵng được chọn là 1 trong 3 trung tâm bồi dưỡng ngoại ngữ và các kỹ năng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh chuẩn bị đi học nước ngoài, rào cản về ngoại ngữ vì thế được dỡ bỏ một phần. Và năm 2008 đánh dấu sự chuyển động mạnh mẽ của ĐH Đà Nẵng trong việc hưởng thụ dự án 322. Lần đầu tiên, số lượng ứng viên đăng ký dự tuyển học bổng đề án 322 vượt qua con số 10 của những năm trước: Với 34 người đạt tiêu chuẩn trong 2 đợt tuyển chọn.

Trước đó, chưa năm nào ĐH Đà Nẵng vượt chỉ tiêu tuyển sinh theo đề án 322. Số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn đăng ký đào tạo lần lượt trong những năm 2005-2006-2007 là 1, 3 và 4. PGS.TS Lê Kim Hùng - Trưởng ban Sau Đại học (ĐH Đà Nẵng) nhận xét: “Ngoại ngữ là một trong những rào cản đối với thí sinh ở khu vực miền Trung do hạn chế về điều kiện học tập, kinh tế và không có nhiều cơ hội để cọ xát. Nếu giảng viên có trình độ chuyên môn khá nhưng ngoại ngữ giỏi thì cơ hội đi du học nước ngoài bằng các nguồn học bổng không phải là khó”. ĐH Đà Nẵng đã tổ chức khảo sát ngoại ngữ đối với số cán bộ trẻ dưới 40 tuổi để có kế hoạch theo dõi, bồi dưỡng thêm. Tuy nhiên, trong số 215 người được khảo sát môn tiếng Anh thì chỉ có 63 người đạt yêu cầu.

Một nguyên nhân nữa khiến số lưu học sinh du học nước ngoài theo Đề án 322 của ĐH Đà Nẵng ít là do hạn chế bởi việc phân bổ chỉ tiêu cho nhóm ngành/chuyên ngành. Hiện, ĐH Đà Nẵng được Bộ GD&ĐT ủy nhiệm tổ chức việc thi tuyển sau đại học ngoài nước cho các ngành: Công nghệ thông tin - chế tạo máy - hóa học; năng lượng điện - nhiệt; sức bền vật liệu và cơ học kết cấu; xây dựng công trình thủy lợi và cảng, máy điện, thiết bị điện. Số cán bộ trẻ khối kinh tế và khoa học xã hội-nhân văn có nhu cầu nâng cao trình độ thì lại không có chỉ tiêu tuyển sinh.

 

Đề án 322 được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn vào năm 2000. Mục tiêu: Đào tạo cán bộ trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học tại nước ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài để đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong 8 năm, đã tuyển được 4.140 người đi học. Các nhóm ngành đào tạo: Khoa học kỹ thuật, công nghệ; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội - nhân văn; Nông, lâm, thủy sản; Kinh tế quản lý; Y - dược, thể dục thể thao; Văn hóa nghệ thuật.

 
Khi nhóm ngành/chuyên ngành tuyển sinh chưa được mở rộng, lực lượng cán bộ giảng dạy của ĐH Đà Nẵng đã chủ động tìm các nguồn học bổng khác vì “nếu chỉ chờ vào Đề án 322 để đào tạo nâng cao trình độ giảng viên thì rất căng” như nhận xét của TS Tăng Tấn Chiến, Trưởng Ban Tổ chức ĐH Đà Nẵng.

 GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, cùng với những nguồn học bổng đào tạo khác, Đề án 322 đã góp phần hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục rất nhiều trong việc nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, giáo viên. Nếu vẫn duy trì cử người đi học theo kiểu đơn lẻ, rời rạc thì “không ăn thua”. Nhà nước nên giao cho nhà trường cử đi đào tạo theo nhóm mà nhà trường có nhu cầu chứ đừng theo kiểu “bốc thuốc bắc” như hiện nay.

Nếu chỉ cử đi một, hai người thì sau khi đào tạo, chỉ đảm nhận được công tác giảng dạy chứ không thể tạo sức lan tỏa trong nghiên cứu khoa học. Trước đây, ĐH Đà Nẵng cũng cử đi đào tạo đơn lẻ, mỗi người thực hiện việc nghiên cứu theo sở thích của mình, chưa có sự gắn kết thành một tập thể mạnh để nghiên cứu những công trình lớn.

ĐH Đà Nẵng đã chuyển hướng, tập hợp và khởi động 5 nhóm nghiên cứu tiêu biểu và bước đầu cho thấy mô hình này đã phát huy tác dụng tích cực: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; Nghiên cứu sản xuất tự động; Nghiên cứu động cơ đốt trong và ô-tô; Nghiên cứu bảo vệ môi trường; Nghiên cứu nano, plasma và vật liệu mới. Nhờ đó, lực lượng nghiên cứu của các nhóm ngày một gia tăng.

Theo nhận xét của GS Bùi Văn Ga thì hiện nay, mục tiêu của chương trình đào tạo sau ĐH của nước ta đang có sự chệch hướng vì chủ yếu chỉ nhắm vào thạc sĩ nghiên cứu và tiến sĩ. Cần có sự phân biệt giữa thạc sĩ nghiên cứu và thạc sĩ chuyên nghiệp (ứng dụng). Đối với đối tượng là thạc sĩ nghiên cứu thì không cần phải ràng buộc điều kiện “có 2 năm công tác ở bên ngoài sau khi tốt nghiệp ĐH”, vì những kiến thức chuyên môn sẽ rơi rụng dần sau thời gian này.
 
Những SV sau khi tốt nghiệp ĐH nếu muốn phát triển theo hướng thạc sĩ nghiên cứu có thể tham gia thi tuyển sinh sau ĐH ngay. Về vấn đề giao chỉ tiêu đào tạo sau ĐH, Bộ GD&ĐT cũng nên căn cứ từ nhu cầu của bản thân các cơ sở. GS Ga phân tích: Nếu trường ĐH xét thấy tham gia đào tạo ở bậc cao hơn có kết quả khả quan hơn đào tạo bậc ĐH thì nên tạo điều kiện chỉ tiêu cho trường đó. Chỉ tiêu đào tạo sau ĐH cần được xây dựng trên tương quan giữa đào tạo ĐH và sau ĐH bởi xu hướng của một số trường ĐH ở Việt Nam hiện nay đang phát triển theo hướng ĐH nghiên cứu.        

Hà Linh

;
.
.
.
.
.