.
TRƯỜNG HERMANN GMEINER ĐÀ NẴNG

Triển khai mô hình “Dạy học theo phòng bộ môn”

.

“Dạy học theo phòng bộ môn” là mô hình không quá xa lạ tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, nhưng hiện vẫn còn khá mới mẻ đối với nền giáo dục Việt Nam. Tổ chức, xây dựng, quản lý và sử dụng như thế nào cho hiệu quả mô hình phòng học này là vấn đề mà các cán bộ quản lý, cũng như chuyên môn trong ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.

Một tiết học theo mô hình “Phòng học bộ môn” ở Trường Hermann Gmeiner Đà Nẵng.

Hiện nay, bậc tiểu học ở nước ta hầu như không có phòng bộ môn. Một số ít các trường có phòng bộ môn nhạc, họa. Bậc THCS và THPT, với các trường có điều kiện thì có các phòng thực hành lý, hóa, sinh, tin học... Các trường vùng sâu, vùng xa thì hầu như không có phòng bộ môn. Trong bối cảnh ấy, Trường Hermann Gmeiner Đà Nẵng có thể coi là ngôi trường thực hiện quyết liệt nhất việc xây dựng phòng học bộ môn so với các trường khác ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cơ sở vật chất của trường đủ điều kiện để tổ chức dạy và học theo phòng bộ môn. Mỗi phòng học đều có đủ không gian, diện tích, vị trí đáp ứng cho yêu cầu phòng học bộ môn.

Khó khăn chính ở buổi đầu là việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Nhiều người lo ngại khó quản lý học sinh (mất trật tự, thậm chí trốn học), không kịp thời gian trong di chuyển đến phòng bộ môn, không đủ điều kiện để trang bị bên trong phòng bộ môn. Một số giáo viên không muốn thay đổi phương thức dạy học cũ, ngại sự “thay đổi” theo chiều hướng tích cực, chủ động trong môi trường phòng học mới dạy học tương tác giữa thầy và trò.

Tuy nhiên, Ban Giám hiệu Trường Hermann Gmeiner đã quyết tâm thực hiện tổ chức, quản lý dạy và học theo phòng  bộ môn ở tất cả các môn học (ngoài những môn học đã có phòng bộ môn theo mô hình dạy  truyền thống trước đây), coi đây là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy và học. Lộ trình xây dựng phòng học bộ môn đã được hoạch định từ năm 2003, và sau đó liên tục được bổ sung, điều chỉnh. Trong mỗi năm học, nhà trường sớm có kế hoạch triển khai thực hiện theo lộ trình đã định. Các nội dung chính được Ban giám hiệu định hướng, lập kế hoạch và giao cho các tập thể, cá nhân thực hiện như: Gắn liền công tác xây dựng Phòng bộ môn với việc trang bị cơ sở vật chất và kỹ thuật của nhà trường; giao cho các tổ bộ môn, các giáo viên bộ môn đăng ký chỉ tiêu, lập kế hoạch xây dựng phòng bộ môn; phát động học sinh sưu tầm, làm đồ dùng học tập, trang trí phòng bộ môn; gắn kết trách nhiệm của giáo viên và học sinh trong việc quản lý, sử dụng phòng học bộ môn; kết hợp chặt chẽ công tác quản sinh, giám thị với quản lý di chuyển học sinh khi chuyển đổi phòng học để  bảo đảm trật tự, nền nếp học tập...

 


Ngày 24-9-2004, Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 32/2004/QĐ-BGD&ĐT về việc ban hành quy chế công nhận phòng học bộ môn trường trung học đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, quy chế đã quy định tiêu chuẩn và quy trình công nhận phòng học bộ môn đạt chuẩn quốc gia trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông (gọi chung là trường trung học) công lập và ngoài công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
 
Đây là cơ sở quan trọng định hướng cho công tác tổ chức, quản lý, sử dụng phòng học bộ môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học theo phương pháp mới “lấy học sinh làm trung tâm”, “môi trường dạy - học tương tác”...


 
Trong giai đoạn đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên mặc dù Ban Giám hiệu đã có những chỉ đạo sâu sát, nhưng vẫn có những phát sinh mới trong quá trình xây dựng, tổ chức, sử dụng phòng học bộ môn. Đó là tình trạng thiếu đồ dùng dạy học, một số giáo viên còn lúng túng trong sử dụng thiết bị hỗ trợ dạy học (đèn chiếu, máy tính...); thiếu một giải pháp hiệu quả và lâu dài cho việc tổ chức hoạt động phòng học bộ môn. Tình hình ấy đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường phải tìm tòi, nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới để tiếp tục hoàn thiện mô hình dạy học hiện đại này, đáp ứng nhu cầu dạy học theo phương pháp mới và đạt tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định.

Qua khảo sát thực tiễn, có đến 95% học sinh thích học theo phòng bộ môn, với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, lý do “Thay đổi không khí sau mỗi môn học nên dễ tiếp thu bài, tránh nhàm chán”, “Mỗi phòng học có cách trang trí riêng phù hợp với đặc trưng bộ môn” và “Được tiếp xúc và làm quen với nhiều đồ dùng dạy học ở phòng bộ môn” có tỷ lệ khá cao.

Đây cũng là những lý do cho phép đánh giá: Phòng học bộ môn tạo ra môi trường học tập tích cực, khơi gợi sự hứng thú học tập của học sinh, là cơ sở để nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Phòng học bộ môn có nhiều ưu điểm hơn hẳn phòng học truyền thống. Tất cả các giáo viên đều thích cách tổ chức dạy học theo phòng bộ môn, là một tín hiệu vui, chứng tỏ nhà trường đã đi đúng hướng và có hiệu quả. Như vậy, cho đến nay, Trường Herman Gmeiner Đà Nẵng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, công nhận tất cả 15 phòng học bộ môn đạt chuẩn quốc gia.

 NGUYỄN THỊ MINH TUYẾT

;
.
.
.
.
.