.

100 năm Trường tiểu học An Phước

.

>> Vài suy nghĩ về một ngôi trường

Hôm nay, 13-6-2008, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo kỷ niệm 100 năm ra đời Trường tiểu học An Phước (1908-2008) với sự tham dự của đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo lão thành, các nhà quản lý giáo dục, các cựu giáo viên, học sinh của trường.

Báo Đà Nẵng
xin lược trích giới thiệu bài phát biểu của Tiến sĩ  TRẦN VĂN MINH, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố khai mạc Hội thảo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ thân mật Đoàn đại biểu các thế hệ thầy và trò Trường tiểu học An Phước ngày 19-6-1999.  Ảnh: V.T.LÊ


Hôm nay, theo lời mời của chúng tôi, quý vị đến đây để dự hội thảo kỷ niệm một sự kiện đặc biệt trong đời sống văn hóa-tinh thần của nhân dân đất Quảng, cách nay tròn 100 năm, đó là sự ra đời của Trường tiểu học Cẩm Toại, về sau được đổi tên An Phước, một trong các trường mang tính chất nghĩa thục và tân học của đất Quảng ở đầu thế kỷ XX.

Tuy đất nước và quê hương đã trải qua bao biến cố thăng trầm, đổi thay của lịch sử nhưng trường vẫn tồn tại, đứng vững và phát triển cho đến ngày nay, tròn một thế kỷ như sự đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân trường kỷ niệm 90 năm thành lập: “Là một nghĩa thục nổi tiếng suốt gần 100 năm nay, đã từng có những hy sinh và cống hiến lớn đối với sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, giải phóng và xây dựng Tổ quốc”.

Sự ra đời của Trường tiểu học Cẩm Toại lúc bấy giờ như chúng ta biết là cùng với sự xuất hiện và hoạt động của phong trào Duy Tân, một phong trào yêu nước nổi tiếng của nước ta ở đầu thế kỷ trước do nhà chí sĩ Phan Châu Trinh cùng các chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng với mục tiêu và khẩu hiệu: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà tiêu điểm là cuộc biểu tình chống thuế, khởi nguồn từ Đại Lộc năm 1908.

 
VÀI NÉT VỀ TRƯỜNG TIỂU HỌC AN PHƯỚC 


Khoảng năm 1888: Lập trường làng Cẩm Toại, dạy nho học.  1908: Dời trường đến vị trí hiện nay, chuyển hẳn sang dạy chữ quốc ngữ.

1926: Đổi tên thành Trường tổng An Phước (Ecole Cantonale d’An Phuoc)

1932: Đổi tên thành Trường sơ học An Phước (Ecole Elémentaire d’An Phuoc) 

1939: Hoàn chỉnh bậc tiểu học (Ecole Primaire Complémentaire d’An Phuoc).

2-9-1945: Lấy tên bằng chữ quốc ngữ: “Trường Tiểu học An Phước”.

3-4-2008: Được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

27-5-2008: Được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa.

 
Cẩm Toại, một vùng quê của huyện Hòa Vang nằm cạnh nơi diễn ra cuộc xuống đường. Cẩm Toại còn là nơi có nhiều thân hào, nhân sĩ, có các dòng họ nổi tiếng trong học hành, khoa bảng tham gia các phong trào Cần vương, Nghĩa hội. Do đó, các bậc nhân sĩ yêu nước đứng đầu là họ Lâm ý thức được vận hội mới, đứng ra vận động thành lập trường, chuyển từ một tư thục Nho học sang dân lập tân học-học chữ quốc ngữ mang tính nghĩa thục. Đây là một mô hình mới về giáo dục diễn ra trên đất Quảng lúc bấy giờ, phù hợp với logic cuộc sống, của lịch sử phát triển.

Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Cẩm Toại-An Phước là dịp chúng ta ôn lại truyền thống hiếu học của nhân dân ta và đặc biệt là tinh thần thực học của các sĩ phu yêu nước và của nhân dân xứ Quảng, để tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta trong thực hiện mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, đưa sự nghiệp đổi mới, chấn hưng giáo dục và đào tạo của thành phố tiếp tục phát triển, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để đánh dấu một sự kiện lịch sử của nền giáo dục và của đời sống văn hóa, tinh thần đất Quảng nói trên, theo đề nghị của Ban Chấp hành Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục thành phố, cơ quan đã từng đứng ra tổ chức kỷ niệm và hội thảo 90 năm và 95 năm thành lập Trường An Phước trước đây, năm nay, UBND thành phố cùng với huyện Hòa Vang, Trường An Phước, Ban liên lạc cựu học sinh, giáo viên ngay từ đầu năm đã cùng nhau bắt tay chuẩn bị, triển khai các hoạt động, trong đó có việc ấn hành tập kỷ yếu 100 năm Trường An Phước, chuẩn bị cho cuộc hội thảo hôm nay và lễ kỷ niệm trọng thể vào ngày mai 14-6-2008 tại xã Hòa Phong, nơi Trường An Phước ra đời và trụ vững.

Cuộc hội thảo được tổ chức với sự giúp đỡ của Trung ương Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhằm tạo một diễn đàn cho các học giả ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế; cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục tại chỗ; cho các giáo viên, học sinh của trường qua nhiều thế hệ, cùng những ai quan tâm có điều kiện trao đổi về hoàn cảnh, ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, sự hy sinh, cống hiến, vai trò và sự phát triển trong tương lai của trường. Lãnh đạo thành phố chúng tôi coi cuộc hội thảo này là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa góp phần vào kết quả tốt đẹp của kỷ niệm 100 năm truyền thống Nghĩa thục Cẩm Toại xưa và Trường tiểu học An Phước ngày nay của lớp thế hệ kế tiếp.

Nhận lời mời của chúng tôi, các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo lão thành, các nhà quản lý giáo dục, các cựu giáo viên, học sinh, các hậu duệ của họ Lâm và các dòng họ khác của Hòa Phong dành thời gian quý báu của mình cho nội dung hội thảo và đến tham dự hội thảo. Sự có mặt của các nhà sử học, các giáo sư, các tiến sĩ  và tiến sĩ khoa học, các nhà văn, nhà báo đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế làm cho cuộc Hội thảo kỷ niệm 100 năm Trường An Phước tồn tại và phát triển mang tầm vóc quốc gia.

Chính với tấm lòng đối với sự nghiệp giáo dục, sự hưởng ứng nhiệt thành của quý vị mà chúng ta có được cuộc hội thảo hôm nay. Chúng tôi rất vui mừng và cảm kích trước sự hưởng ứng của quý vị. Về phương diện này, có thể coi cuộc hội thảo đã thành công bước đầu, góp phần có ý nghĩa vào việc đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục thành phố, chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Sự có mặt và sự hưởng ứng của các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà giáo lão thành tại chỗ, các cựu giáo viên và học sinh làm cho hội thảo thêm hàm súc về nội dung và có thêm nhiều  màu sắc về đối tượng tham gia, góp phần quan trọng cho kết quả hội thảo.

Sự có mặt của các nhà báo, các cơ quan thông tấn, phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương sẽ làm cho các thông tin về hội thảo, về lễ kỷ niệm sẽ được thông tin rộng rãi không chỉ tại địa phương mà còn trên cả nước.



;
.
.
.
.
.