.

Bay trong giấc ngủ đêm hè?

.

Ở thành phố, tìm đỏ con mắt không ra học sinh… không học hè! Năm học vừa chấm dứt, hàng ngàn học sinh chỉ nghỉ vỏn vẹn vài ngày, đủ hít một hơi thật sâu để tiếp tục cuộc đua mới trên con đường chinh phục tri thức mà người ta thường viện cớ rằng: Học chẳng bao giờ thừa.

Đi trước, đón đầu

Những gương mặt còn thơm mùi sữa ngồi chen chúc để “được” học hè. (ảnh chụp sáng ngày 13-6, trong lớp học hè của học sinh lớp 1).

Tổng kết năm học, chơi vài ngày, tầm tháng 6 cắp cặp đến nhà thầy xin vào lớp học thêm. Chuyện ấy giờ đã xưa rồi. Hoặc có chăng, chỉ rơi vào những em học sinh “thiếu ý thức học tập” và không được sự “quan tâm” của gia đình.

Chuyện học hè năm nay không bắt đầu vào tháng 6. Tất cả đã được khởi động từ… sau học kỳ 1 của năm học trước! Một phụ huynh có con học lớp 12 trường THPT Trần Phú kể đầy tâm trạng: “Cuối tháng 5, tôi dẫn con tới nhà cô P. xin học hè. Tưởng giờ ấy là vừa, nếu không nói là sớm vì chưa chính thức nghỉ hè. Ai dè, cô “nạt” cho một trận vì đã quá trễ để đăng ký. Hơn nữa, cô P. chỉ nhận dạy học sinh trường P.C.T, học lực khá; ngoài ra, không nhận đối tượng khác”. Vị phụ huynh này bức xúc: “Mặc dù nghe tiếng cô dạy khá tốt, tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao, nhưng sự kiêu sa đó làm cả tôi và con đều chạnh lòng”.

Giữa tháng 6, chúng tôi tìm tới nhà cô P. (Phan Kế Bính, Thuận Phước) theo lời giới thiệu của phụ huynh. Khi tôi vừa nêu ý xin cho người quen đến học hè, chưa nghe đầy câu, cô P. đã thẳng thắn từ chối: “Chẳng ai lại tìm cô để xin học vào lúc này cả. Khóa sổ từ tháng 3, tháng 4 rồi”. Sau đó, cô P. nhanh chóng… tạm biệt khách.

Khi cho con học hè, phần đông phụ huynh không đặt nặng vấn đề học phí. Các bậc cha mẹ mong con thấy thích, hiểu, tiến bộ trong môn học đó. Tuy nhiên, điều phụ huynh và cả học sinh đang “đau đầu” là chỗ học tại các thầy cô có chút tiếng tăm lại trở thành cuộc săn đón, mà mỗi năm, cuộc “đi săn” lại bắt đầu sớm hơn năm trước đến vài tháng.

Ngày 2-6, tức là ngay sau khi các em vừa được hưởng ngày Quốc tế Thiếu nhi, việc học xem như không còn lý do gì trì hoãn. Đoạn đường trước nhà thầy H. (Trần Cao Vân, Xuân Hà), một thầy giáo dạy Toán cấp 2, nổi tiếng yêu nghề, mến trẻ đã… kẹt xe với khoảng 70 học sinh kèm 70 phụ huynh đưa con đến đăng ký. “Vì muốn có chỗ đúng ngày quy định để khỏi mất phần nên phụ huynh không ngại xếp hàng đợi”, ông ngoại của một học sinh lớp 7 trường THCS Đỗ Đăng Tuyển nói. Mỗi ngày, thầy H. dạy triền miên từ sáng đến tối. Suất học này chưa ra, học trò của suất khác đã đứng đợi trước cửa
.
Mùa hè = Mùa học

Cậu con trai được nhắc tới trong câu chuyện đầu tiên, sau khi “làm kẻ đến sau” đã cuống cuồng tìm bạn, lập nhóm, tìm thầy để không chậm trễ việc học hè thêm vài ngày nữa. Những đêm hè, những giấc trưa mơ màng với miền tuổi thơ lung linh có còn chăng khi sáng sáng, chiều chiều các em cứ tất bật học và học? Lớp 12 học vì đây là giai đoạn “cao trào” chuẩn bị qua cửa ải đại học; lớp 6 học cho kịp anh, kịp chị; lớp 1 học cho khỏi bỡ ngỡ sân trường tiểu học. Cứ thế, mùa hè, từ bao giờ biến thành mùa học.

Cô bé Ánh Trà mới học lớp 7 đã sớm biết lo lắng. Gia đình cho bé đi du lịch Nha Trang 10 ngày nhưng chưa hết một tuần em đã nằng nặc đòi về Đà Nẵng. Lý do, em sợ trễ ngày xếp lớp. “Đông bạn học lắm. Đi trễ sợ thầy không nhận nữa. Với lại mất mấy bài đầu sợ không hiểu”, bé Ánh Trà thành thật kể. Ngoài giờ học trên lớp (3 buổi/tuần) em còn tích cực làm bài tập ở nhà. Tuy vậy, bé Trà và một số em nhỏ khác mà chúng tôi gặp đều xem việc học hè như là “một phần tất yếu của cuộc sống”.

Với những em mặt còn thơm mùi sữa, suốt ngày mê phim hoạt hình, thích chơi cưỡi ngựa, xích đu, học hè cũng khiến các em quay cuồng. Đưa cậu bé 6 tuổi vào học dự bị lớp 1 của một cô giáo trên đường Trần Cao Vân, điều chúng tôi chứng kiến là có rất đông em nhỏ ngồi chật ních căn phòng để học đánh vần từng con chữ. Trong căn phòng chưa đầy 20m2, nhưng có đến gần 50 cô cậu nhóc tí hon ngồi từng hàng sát nhau. Cậu bé 6 tuổi, được tôi đưa đi học “khai”: “Buổi sáng con học bài. Trưa ăn cơm, ngủ dậy rồi làm toán”.

Đến lớp từ 7 giờ 30 sáng và về nhà lúc 16 giờ. Một ngày đi học của các em  trùng với giờ đi làm của bố mẹ. Học hè với các cô cậu nhóc này cũng giống như đi nhà trẻ. Nhưng các em không được vui chơi, hát múa bên những nhân vật cổ tích, mà phải học Văn và làm Toán theo giờ.

HƯỚNG DƯƠNG       

;
.
.
.
.
.