.

Con chữ lên non

.

Khi đến với Trường tiểu học Hòa Bắc, chúng tôi dự định sẽ viết bài về một thầy cô giáo tiêu biểu, vượt khó để giảng dạy. Tuy nhiên dự định ấy phải thay đổi: Mỗi thầy cô giáo ở đây chính là một tấm gương sáng của tinh thần vượt khó trong hành trình đem chữ lên non.

60

Ấy là con số kilômét trung bình mỗi ngày mà các thầy cô giáo chạy xe máy cả đi lẫn về từ nội thành thành phố lên Hòa Bắc. Nhắc đến Hòa Bắc là nhắc đến một xã miền núi xa xôi nhất của huyện Hòa Vang, nơi có nhiều đồng bào Cơtu sinh sống, cũng là nhắc đến một ngôi trường với bộn bề khó khăn nhất trong các trường học tại Đà Nẵng.

Học trò khu vực Nam Mỹ - Trường tiểu học Hòa Bắc đi học về.

Trường tiểu học Hòa Bắc gồm có 5 cơ sở chạy dọc theo con đường nhựa từ trung tâm xã đến Nam Mỹ, Lộc Mỹ, Tà Lang, Giàn Bí. Ngoài 12 cán bộ, giáo viên là người địa phương, còn lại trên 30 cán bộ, giáo viên từ các quận, huyện trong thành phố lên đây dạy học. Đã 5 năm gắn bó với việc dạy môn âm nhạc, thầy Nguyễn Đức Kha, quận Ngũ Hành Sơn vẫn đều đặn mỗi ngày vượt hơn 30 km đến từng cơ sở của trường. Hiệu trưởng Trần Thị Huệ trầm ngâm bảo: “Đường đi xa xôi, nhưng thầy vẫn miệt mài không quản nắng mưa đến trường. Có hôm qua suối dạy xong, nước nguồn ào xuống, không về xuôi được, thầy ở lại trường vài ngày với các em học sinh”.

Cô giáo Hạnh có con nhỏ, nhà ở Cẩm Lệ nên từ sáng sớm đã phải đến trường, chiều mới về. Con mới 4 tháng tuổi đã phải gửi nhà trẻ, người mẹ trẻ bầu sữa căng cứng tràn ra ướt áo. Tối về ôm con, nhìn con say sưa bú mẹ, cô không cầm được nước mắt. Nhưng yêu nghề, ham công việc, sáng hôm sau cô lại gửi con đến nhà trẻ, lên miền núi với các em. Khác với cô Hạnh, cô Xuân nhà ở Hòa Phong tâm sự: “Lúc con còn nhỏ thì mỗi tối về ôm con, bây chừ con được 3 tuổi rồi, mẹ đi suốt ngày, tối về con “lơ” mẹ vì hờn dỗi. Thấy thương con và cũng tủi thân lắm”. Một cô giáo nói với chúng tôi: “Ở đây ai cũng có nguyện vọng muốn được về gần nhà dạy học, nhưng nhìn thấy nhiều người còn vất vả hơn mình mà vẫn bám trường, bám lớp nên mình cũng phải cố gắng”.

Ước mong đi cùng năm tháng

Nhẩm tính, cô giáo Loan cho chúng tôi biết đã 21 năm gắn bó với nghề, ngày nào cũng vậy, sáng từ Hòa Minh chạy xe máy lên dạy, đến chiều chạy xe về với gia đình. Mùa hè thì còn đỡ, nhưng mùa đông cùng những cơn mưa dai dẳng và hơi lạnh từ rừng núi luôn đem đến cảm giác bất an khi một mình chạy xe giữa đường núi. Bằng một phép tính có thể cho ra con số 21 năm cùng hàng trăm ngàn cây số cô đã đi. Nhưng, một phép tính thì không thể cho ra đáp án của sự nhọc nhằn từ những tháng ngày trên bước độc hành cô đã đi qua để đến với các em.

Rưng rưng, cô kể: “Nhớ nhất là vào năm 1988, khi băng suối qua Tà Lang dạy, tôi bị nước cuốn trôi, may nhờ bám vào những cây rù rì mà thoát được, được ở lại cùng các em”. Việc xắn quần băng suối là chuyện thường ngày của các thầy cô. Hôm ấy, chúng tôi đã thử lội qua suối Tà Lang, nhưng mới chỉ khoảng 1/4 con suối thì đành chịu đầu hàng trước những tảng đá trơn nhẫy. Ấy là hôm nước cạn. Chỉ cần một trận mưa, nước suối dâng cao một chút thì không thể nào lội qua được, đành phải đi bằng petxi (phao làm bằng săm xe ô-tô) do thanh niên trong làng đẩy qua suối, mỗi lần đi về tốn 20 ngàn đồng.

Bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu cây số mỗi ngày là bấy nhiêu nhọc nhằn của những thầy cô giáo trẻ. Con đường đến với Hòa Bắc cứ thế xa tắp, nhưng đi ròng rã, riết thành quen.
Khi chúng tôi đến thôn Giàn Bí cũng là lúc các thầy cô đang tổ chức liên hoan chia tay kết thúc năm học. Gương mặt họ nở những nụ cười thật tươi. Đằng sau tiếng cười ấy là bao nhiêu lo toan, cùng những ước mong bình dị.

Mong trường được nâng cấp cơ sở vật chất, có nhà ăn, có nơi sinh hoạt để cho các em ở lại trưa. “Buổi trưa các em ở lại cơm nắm cơm đùm, khi mắm dưa, lúc muối mè, nhìn thấy thương lắm”, cô Huệ cay cay con mắt nói. Mong sớm có cây cầu bắc qua thôn Tà Lang để cho việc đi lại của thầy cô và học trò được thuận lợi, không sợ cảnh bất chợt nước nguồn ào về. Mong học trò của mình học giỏi, chăm ngoan, được bằng bạn bằng bè cùng lứa ở phố.

Rời Hòa Bắc, xa dần cái nóng cái gió cùng những bụi sim tím ngắt dọc đường, thấy thương nhớ vô cùng cái nắm tay bịn rịn của các cô giáo trẻ. Chúng tôi tràn ngập trong lòng niềm cảm phục cùng sự tin yêu gửi vào những nụ cười tươi tắn của các thầy cô…

Nghi Lê

;
.
.
.
.
.