.

Du học Singapore: Được và Mất

.

Trong thời gian sống và học tập tại khoa Xã hội học Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) Singapore, một sinh viên Việt Nam đã tìm thấy nét tương đồng trong suy nghĩ của rất nhiều bạn bè là du học sinh đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia.

Trước sự đa dạng về văn hóa và quốc tịch, mọi người có xu hướng hoạt động trong mối quan hệ bé nhỏ và quen biết từ lâu của mình thay vì mở rộng với thế giới bên ngoài và kết bạn mới.

Nguyễn Như Hà (tác giả bài viết) tại thư viện khoa Xã hội học Trường Đại học Công nghệ Nanyang.


“Chính sách nhân tài’’ của Chính phủ Singapore đã đưa đất nước này trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du học sinh. Chính phủ biết cách làm thế nào để những đầu tư trước mắt của họ trong giáo dục thu được thành quả lâu dài. Bằng cách hỗ trợ tài chính và cấp học bổng của mình, Singapore đã làm cho những khó khăn đầu tiên trong chặng đường du học của sinh viên, nhất là các nước trong khu vực châu Á trở nên dễ dàng và khả thi rất nhiều. Một nền giáo dục với định hướng phương Tây, tiếng Anh là nền tảng cũng đã chứng tỏ những hiệu quả của nó với hệ thống tín chỉ, hoạt động ngoại khóa, hoạt động cung cấp thông tin và định hướng việc làm khá nhanh và gọn.

Những hoạt động xã hội và tăng cường sự tham gia của người dân cũng như học sinh đối với  các vấn đề xã hội được đẩy cao ở từng cấp độ. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên nghe về hoạt động ngoại khóa của sinh viên trường mình rằng: Cứ vào năm học, tất cả sinh viên đều phải tham gia một hoạt động thật ý nghĩa. Với cái lon trên tay đi vận động mọi người góp tiền giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hay như hình ảnh các em học sinh tiểu học với chiếc logos trên áo – chiếc  “băng-rôn vàng’’ cầm lon vận động mọi người trên các tàu điện ngầm, xe buýt ủng hộ tiền giúp đỡ các tù nhân làm lại cuộc đời.
 
Đó là những hình ảnh đẹp, khi nó là một phần trong chương trình giáo dục và ngoại khóa của các trường để tăng cường ý thức cộng đồng của người dân. Hay như những buổi đi thăm định kỳ của câu lạc bộ chữ thập đỏ trong trường NTU của tôi vào thứ bảy hằng tuần dành cho người khuyết tật không có khả năng giao tiếp và thân thiện, quả không phải là một điều dễ dàng.

 Ở Singapore, bất kể là một trường công lập của quốc gia hay cao đẳng, một trường chỉ dạy bằng tiếng Trung Quốc hay Ấn Độ, một trường cấp 3 hay tiểu học, sự nhất quán trong dạy và học là điều không lẫn vào đâu được. Điều đôi khi khiến cho những bức xúc muốn thoát ra hay gặp phải một cái gì đó mới mẻ hơn của tôi khó mà thành hiện thực.

Nhưng có lẽ một phần trong cuộc sống của du học sinh quốc tế ở Singapore - đời sống cá nhân và quan hệ cộng đồng - lại là bức tranh nép mình đằng sau những thuận lợi và bổ ích đó. Đó là những điều tôi ghi nhận và khái quát được từ điều tra 60 bạn bè quốc tế đang theo học tại Singapore, khi họ được hỏi về những điểm hấp dẫn, thuận lợi, khó khăn, hỗ trợ từ mọi phía và những định hướng cho tương lai cùng sự đánh giá của họ về cuộc sống và học tập của họ. 60-70% trong số họ chọn Singapore vì sự tiến bộ vượt bậc và những hỗ trợ tài chính.
 
Những con số không cần phải nghi ngờ. 62% trong số họ tìm thấy một nền giáo dục tiến bộ và phù hợp hơn so với môi trường giáo dục của quốc gia mình. 59,6% trong số họ cảm thấy hài lòng và đánh giá ở mức cao cuộc sống ở Singapore.  95% trong số họ có dự định tiếp tục học tập hay sinh sống ở Sing lâu dài.

 Nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh khi những con số tiếp theo sau đây khiến chúng ta suy nghĩ về môi trường học tập và xã hội ở Sing  cho việc hoàn thiện đời sống cá nhân và xã hội của học sinh quốc tế ở giai đoạn quan trọng nhất của một người trưởng thành. Cấp bậc đại học: 53,4% số học sinh gặp phải vấn đề Singlish và rào cản ngôn ngữ khi có quá nhiều ngôn ngữ được nói bởi người Sing. Nếu bạn chỉ có hành trang là tiếng Anh, đừng nghĩ rằng ai cũng có thể hiểu và chỉ cho bạn cái bạn cần ở một đất nước đang cố gắng chuẩn hóa tiếng Anh như Singapore.

Và đôi khi ngôn ngữ tay chân lại trở nên hiệu quả cho bạn ở tình huống dở khóc, dở cười. Đó là lý do tại sao 43% sinh viên cảm thấy giao tiếp hay xây dựng quan hệ với người dân Sing là một điều khó khăn. Như một điều tất yếu, 53,4% trong tổng số sinh viên được làm điều tra khẳng định rằng, họ có ít quan hệ xã hội và bạn bè ở Sing. Nguồn động viên tinh thần lớn nhất vẫn là từ gia đình và bạn bè ở quê hương. Điều này có thể lý giải tại sao 80% trong số họ có những cảm xúc và tình cảm tiêu cực, bế tắc như cô đơn, nhớ nhà, buồn chán mặc dù những cảm giác thú vị, hấp dẫn, thỏa mãn vì môi trường tự do và an toàn cũng tồn tại.

 Phần lớn học sinh thú nhận: Tiếng Anh của họ không được cải thiện nhiều và ngược lại tiếng mẹ đẻ của họ cũng “xuống cấp’’ trầm trọng. Với lịch học và yêu cầu học tập, họ không có nhiều thời gian để xem tivi hay lấy thông tin từ báo chí và tin tức thời sự như trước ở đây. Việc nắm bắt thông tin trong nước, tình hình thế giới và thậm chí của nước sở tại cũng bị thiếu hụt. Trước sự đa dạng về văn hóa và quốc tịch, mọi người có xu hướng hoạt động trong mối quan hệ bé nhỏ và quen biết từ lâu của mình thay vì mở rộng với thế giới bên ngoài và kết bạn mới. Thực tế này có được xem là một phần bất lợi cho công việc và cuộc sống của họ sau này, một khi họ có ý định làm việc lâu dài tại Singapore?

Môi trường học tập như thế nào cho phù hợp với khả năng và sự phát triển cá nhân, phải chăng mới là điều chúng ta nên chú trọng. Ở một giới hạn nào đó, lĩnh hội những tiến bộ và chuẩn mực của các nước tiên tiến là hết sức cần thiết để hỗ trợ cho công cuộc hội nhập. Nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có môi trường đào tạo ở nước ngoài mới là tốt nhất. Mỗi người trong chúng ta có thể tận dụng tất cả những gì cuộc sống ban tặng để có sự chọn lựa cho mục tiêu đời mình, bất kể ở nơi đâu, đang lãnh nhận nền giáo dục nào.

Ở nơi sâu thẳm trái tim mình, tôi luôn tự hào về hành trang 12 năm phổ thông đèn sách mà mình có được từ thầy cô, bạn bè Việt Nam trang bị. Đó mới là nền tảng vững chắc nhất cho mỗi du học sinh Việt Nam biết tỏa sáng ở môi trường quốc tế.

NGUYỄN NHƯ HÀ
(Khoa Xã hội học, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)


;
.
.
.
.
.