.
Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng

Nhìn từ kết quả năm học 2007-2008

.

Kết thúc năm học 2007-2008, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Đà Nẵng đã đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động. Công tác xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia, trọng điểm đã được quan tâm đúng mức; các cấp học đều có các trường chuẩn quốc gia, cụ thể như mầm non có 19 trường, đạt 17%, tiểu học 61 trường (61%), trung học cơ sở 10 trường (20%), trung học phổ thông 2 trường (10%), có 100% trường tiểu học tổ chức dạy ngày 2 buổi.
 

Thế hệ trẻ Đà Nẵng được đầu tư chăm sóc ngay từ lứa tuổi mầm non.              


Chất lượng và hiệu quả giáo dục các cấp học, ngành học đã được nâng cao, số lượng học sinh giỏi, học sinh đoạt giải ngày càng tăng. 100% xã, phường bảo đảm duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học được đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu mới của ngành…

Quy mô GD-ĐT đúng tầm quy hoạch

Năm học 2007-2008, toàn ngành GD-ĐT thành phố có 412 đơn vị, trường học với 246 nghìn học sinh; gồm 112 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ (trong đó có 70 trường ngoài công lập, một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật), 100 trường tiểu học (có một trường bán công, 2 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật), 50 trường trung học cơ sở và một trường phổ thông cơ sở, 19 trường trung học phổ thông (5 trường ngoài công lập), một trường phổ thông cấp 1, 2, 3 ngoài công lập, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp địa phương (5 trường ngoài công lập), 8 trung tâm GDTX, GDTX-HN, KTTH-HN thuộc loại hình công lập, 57 trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ thuộc loại hình tư thục, 56 trung tâm học tập cộng đồng.

Ngành đã huy động và thu hút được 26,5% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 81% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp, 100% ở độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi vào học tiểu học, 95% thanh-thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến 17 tuổi và từ 15 đến 21 tuổi học trung học. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập ở nhà trẻ chiếm 79,4%, mẫu giáo chiếm 63,8%, tiểu học chiếm 1,2%, trung học cơ sở 0,4%, trung học phổ thông 33%, trung học chuyên nghiệp 57%.

Mạng lưới trường lớp các cấp học, ngành học phù hợp với các đề án quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, đúng với hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nhân dân. Chỉ tiêu quy mô phát triển học sinh các cấp đạt và vượt so với chỉ tiêu được UBND thành phố giao.

Bảo đảm chất lượng đào tạo các ngành học, cấp học

Cho đến nay, mạng lưới trường lớp mầm non được phát triển theo yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, bảo đảm 100% xã, phường đều ít nhất có một trường mầm non công lập hoặc bán công làm nòng cốt trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Các trường mầm non đều tổ chức bán trú, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh xảy ra trong trường học, bảo đảm khẩu phần ăn của trẻ, tỷ lệ trẻ kênh A toàn thành phố đạt 97,6%. Trẻ khuyết tật được tham gia các hoạt động có tác dụng bồi dưỡng, rèn luyện khả năng nhận thức và các kỹ năng cần thiết để có điều kiện vào lớp 1.

Các bậc học tiểu học, trung học đã được ngành đề ra các giải pháp thích hợp, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, thực hiện tốt công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục thể chất, y tế học đường, thực hiện đúng chương trình, sách giáo khoa và quy chế chuyên môn. Ngành đã có nhiều biện pháp cải tiến phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác kiểm tra, thi; xây dựng kế hoạch dạy học tự chọn bảo đảm chất lượng, tập huấn đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu…

Hoạt động giáo dục thường xuyên được ngành tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, bảo đảm nhu cầu học tập và nâng cao những kiến thức, hiểu biết về kinh tế, xã hội, khoa học, đời sống cho nhân dân các xã, phường. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp phát triển đúng quy mô, thu hút được nhiều học sinh, thanh niên vào học tập, đào tạo, góp phần thực hiện chủ trương phân luồng học sinh và phổ cập giáo dục bậc trung học trên địa bàn. (Còn nữa)

Bài và ảnh: Thanh Gián



 

;
.
.
.
.
.