.

Giáo dục học sinh thông qua bảo tàng

.

Bảo tàng dù bất cứ thuộc loại hình nào đều có hai chức năng xã hội cơ bản: Nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học. Với tư cách công cụ giáo dục đặc biệt, bảo tàng như một thiết chế văn hóa góp phần quan trọng trong công tác giáo dục khoa học.

Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác giáo dục trong bảo tàng hiện nay là hoạt động giáo dục dành cho học sinh phổ thông.

Giáo dục thông qua bảo tàng - một môn học hiệu quả!

Tạo nhiều cơ hội cho học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng cần phải được tổ chức thường xuyên và liên tục...

Ngày nay, bảo tàng được coi như một trường học ngoài nhà trường. Giáo dục trong bảo tàng là giáo dục không chính thức nên học sinh không bị gò ép mà hoàn toàn tự nguyện. Trong vai trò như một trường học, bảo tàng không chỉ cung cấp kiến thức lịch sử mà còn cả kiến thức về nếp sống văn hóa, đạo đức ứng xử cho mọi đối tượng khi tham quan.

Với đặc trưng riêng của mình, công tác giáo dục được tiến hành thông qua hệ thống trưng bày các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học, nghệ thuật... Thứ ngôn ngữ giảng dạy đặc biệt là hiện vật gốc và các tài liệu khoa học bổ trợ thông qua nghệ thuật trưng bày, học sinh không những được tiếp nhận lượng thông tin cần có mà còn giúp các em phát triển khả năng nhận thức và tư duy khoa học, tự phân tích, tìm hiểu nguồn gốc, bản chất của sự việc, khơi gợi ở các em sự ham muốn hiểu biết, lòng say mê khám phá.

Vắng bóng học sinh đến bảo tàng?

... để những phòng trưng bày triển lãm không còn vắng bóng hình ảnh học sinh.


Vai trò quan trọng của công tác giáo dục trong bảo tàng là vậy. Thế nhưng, hiện nay, các bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn luôn vắng bóng học sinh, hay nói đúng hơn là học sinh không thích đến bảo tàng.

Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến, đó là tại các trường học, thời gian chính khóa gần như chiếm hết nên việc tổ chức đưa học sinh tham quan bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí. Vì vậy, học sinh chưa ý thức, đánh giá hết tầm quan trọng, ý nghĩa các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng. Các em mới chỉ có thói quen đến bảo tàng để tham quan theo phong trào do trường lớp tổ chức vào dịp kỷ niệm một số ngày truyền thống, ngày lễ lớn của đất nước.

Về phía các bảo tàng cũng gặp không ít hạn chế, khó khăn trong việc phát huy tác dụng giáo dục của bảo tàng. Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng cho biết: “Việc trưng bày tại các bảo tàng hiện nay mang tính khái quát, tính tư tưởng khá cao, các em học sinh khó tiếp cận được. Bên cạnh đó, ngôn ngữ thuyết minh hướng dẫn đôi khi còn trừu tượng, vượt quá lứa tuổi học sinh, sau khi tham quan, kết quả các em thu được một cách sơ sài, không hề tồn tại trong tư duy”?

Học sinh là đối tượng khách tham quan đặc biệt của bảo tàng. Nên chăng, bảo tàng và nhà trường cần phối hợp, gắn kết nội dung của các chương trình ở trường với các hiện vật bảo tàng và đưa ra được một chương trình giáo dục thích hợp. Thông qua đó, tổ chức các đoàn tham quan đến bảo tàng hoặc thực hiện việc giảng dạy môn lịch sử ngay tại trường lớp có dẫn chứng, minh họa bằng hiện vật bảo tàng.
 
Tuy nhiên, điều đó đặt ra cho những người làm công tác bảo tàng và giáo dục phải biết tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, trên cơ sở khuyến khích sự khám phá của các em. Từ đó, đưa ra những hoạt động giáo dục bổ ích, lý thú và thiết thực phù hợp với lứa tuổi các em, nhằm phát huy tốt vai trò giáo dục của bảo tàng trong giai đoạn hiện nay.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.