Ai cũng muốn sinh ra những đứa con khỏe mạnh nhưng điều ước đó không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực cho tất cả mọi người. Đã có rất nhiều những đứa trẻ sinh ra nhưng không được hoàn thiện cả hình hài lẫn trí tuệ.
Không để cho các em phải chịu quá nhiều thiệt thòi, hiện nay trên địa bàn thành phố có 3 trường chuyên dành cho những trẻ khiếm thính và chậm phát triển là Trường Nguyễn Đình Chiểu ở quận Liên Chiểu, Trường Thánh Tâm và Trường Chuyên biệt Tương Lai ở quận Hải Châu. Các em khi vào đây đều mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo như bệnh đao, bại não, tự kỷ, khiếm thính…
Thầy Nguyễn Duy Tuyên, Phó hiệu trưởng Truờng Chuyên biệt Tương Lai cho chúng tôi biết: “Mục đích của việc mở trường cũng chỉ mong đem lại cho các em một tương lai tốt đẹp hơn, giúp các em có thể hòa nhập hơn với cộng đồng”. Hiện trường có tất cả 129 em, trong đó có 80 em khiếm thính và 49 em chậm phát triển. Đối với những em khiếm thính, việc dạy và học có phần dễ hơn khi các em còn có thể nghe, nói và hoạt động như những đứa trẻ bình thuờng khác.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Duy Tuyên thì việc dạy cho các em nghe và nói được cũng là một quá trình lâu dài, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như: chất lượng trợ giúp của máy trợ thính, năng lực phát triển của từng em và sự phối hợp giúp đỡ của gia đình với nhà trường. Những học sinh bị khiếm thính nếu được phát hiện và cho vào trường sớm (dưới 3 tuổi) thì việc giúp các em nghe và nói sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với những em được đưa vào trường khi tuổi đã quá lớn, bộ máy phát âm đã bị tê liệt. Cũng chính vì không nói và nhất là không nghe được, cho nên khả năng tư duy trừu tượng của các em khiếm thính rất kém.
Các em có thể lặp lại câu nói nhưng không thể hình dung ra được sự vật, hiện tượng đang được nói đến là cái gì và như thế nào nên hầu hết các em khiếm thính chỉ học được đến lớp 9 (theo chương trình sách giáo khoa riêng) là dừng lại. Trong khi đó, thiệt thòi nhất vẫn là những em chậm phát triển (đao, bại não, tự kỷ…). Thông thường, chỉ số IQ (chỉ số thông minh) của một người bình thường là 100 thì các em chỉ dừng lại ở con số 30. Thầy Tuyên xót xa nói: “Các em không may mắc phải những căn bệnh này không chỉ thiệt thòi mà phải nói là bất hạnh.
Chúng không thể tự chăm sóc được bản thân, không kiểm soát được hành động của mình cho nên rất dễ bị tổn thương về thể xác. Việc giáo dục đối với các em phải theo một chương trình đặc biệt, đó là chương trình giáo dục những kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự lập, kỹ năng vận động, kỹ năng học đường; trong đó kỹ năng tự lập là quan trọng nhất”.
Có thể không nghe, không thấy nhưng không biết gì, không thể nói lên chính kiến của mình trong xã hội mới chính là nỗi đau lớn nhất của những em chậm phát triển. Được biết, nhà trường và xã hội khuyến khích những em chậm phát triển không nên lập gia đình, vì các em không có đủ khả năng tổ chức cuộc sống cho một gia đình nhỏ, đồng thời nguy cơ tạo ra thế hệ con cháu tương tự là rất lớn.
Mặc dù đã được thành phố và các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp cũng như trang thiết bị, tuy nhiên việc giảng dạy các em đang gặp nhiều khó khăn khi lực lựơng giáo viên có tâm huyết và tham gia giảng dạy ngày càng ít. Bên cạnh đó, các dụng cụ hỗ trợ như: máy trợ thính cho học sinh khiếm thính… đang còn thiếu, nhất là các trường đang tiếp nhận dạy một số em mang bệnh tự kỹ (không muốn giao tiếp với bất cứ ai) nhưng vẫn chưa tìm ra phương pháp dạy hiệu quả.
Mặc dù thế, điều khó khăn nhất chính là vấn đề làm sao cho các em có thể hòa nhập với cộng đồng và làm giảm đi những ánh mắt hiếu kỳ, thiếu thiện cảm của những người chung quanh. Hiện nay chúng ta vẫn chưa có một chương trình hòa nhập cộng đồng nào thực sự có hiệu quả nhằm giúp các em có thể sống và hoạt động một cách bình thường nhất.
Liệu rằng với sự hoạt động của 3 trường học kể trên đã đủ để giúp những em khiếm thính và chậm phát triển trong toàn thành phố được học tập và vui chơi, khi mà số lượng những trường hợp như các em không phải ít, và còn rất nhiều em ở xa đã không có điều kiện đến trường. Hãy cho các em một tương lai, hãy bù đắp cho các em khi còn có thể, bởi theo như thầy Tuyên thì tuổi đời của các em chậm phát triển là rất ngắn (chỉ khoảng 40 tuổi).
KHÁNH HÒA
.
.
Hãy cho các em một tương lai
Thứ Sáu, 20/06/2008, 11:39 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.