Từ dự án “Hỗ trợ đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố” (dự án 32), Đà Nẵng đã chủ động đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho địa phương.
Dự án được đánh giá là khá táo bạo, với mức đầu tư rất lớn cùng những ràng buộc với đối tượng ưu đãi.
Em Bùi Đức Thắng (phải), (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), một trong những học sinh sẽ tham gia chương trình đào tạo dự án 32 của thành phố Đà Nẵng. |
Đà Nẵng không phải là địa phương đi đầu trong việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực bậc cao. Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ những năm 2000 đã triển khai đào tạo nguồn cán bộ trong Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Sau khi tốt nghiệp, những học sinh này được thành phố gửi đào tạo tại các trường ĐH trọng điểm trong nước, các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và trở về phục vụ cho thành phố khi tốt nghiệp.
Hà Tĩnh, một địa phương còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2002 cũng đã có chính sách hỗ trợ cho những học sinh được tuyển thẳng vào ĐH, hoặc sinh viên xếp loại giỏi đang học ĐH ở những ngành mà tỉnh đang có nhu cầu, có cam kết sau khi học xong trở về phục vụ lâu dài tại tỉnh, sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng trong năm học đầu tiên. Những năm tiếp theo, nếu vẫn duy trì được kết quả học tập thì sẽ tiếp tục được hỗ trợ 3 triệu đồng/năm.
Thế nhưng, riêng về mức đầu tư lớn cùng những ràng buộc cụ thể với đối tượng ưu đãi thì phải kể đến Đà Nẵng. Những học sinh tham gia dự án được đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước có mức hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 19.800.000 VNĐ/năm học/HS; tại thành phố Huế là 15.900.000 VNĐ và tại Đà Nẵng là 11.600.000VNĐ. Đối với học sinh học ở nước ngoài, học phí sẽ được cấp đầy đủ theo thông báo của cơ sở đào tạo; riêng mức sinh hoạt phí tính cho một tháng học khoảng từ 300 - 1.000 USD tùy theo các nước và vùng lãnh thổ.
Kinh phí sẽ được điều chỉnh căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo nguyên tắc học bổng không bình quân và không vượt mức kinh phí tối đa. Học sinh có thể tham gia dự án ở mức học bổng toàn phần hoặc bán phần (thành phố cấp 70%). Về phía học sinh hưởng lợi từ dự án, cùng với gia đình, phải có cam kết sau khi tốt nghiệp ĐH trở về phục vụ thành phố từ 7 năm trở lên đối với học bổng toàn phần hoặc 5 năm trở lên đối với học bổng bán phần.
Việc cam kết đó phải thực hiện bằng hợp đồng trách nhiệm có sự chứng kiến của cơ quan pháp luật và điều chỉnh bằng pháp luật Nhà nước Việt Nam. Nếu gia đình và học sinh không thực hiện đúng hợp đồng, phải đền bù gấp 5 lần toàn bộ kinh phí do Nhà nước đầu tư kể từ khi bắt đầu vào đại học (có tính theo lãi suất lũy tiến cho vay tiêu dùng từng kỳ). Khi đang tham gia dự án, trong quá trình học tập, thành phố không giải quyết cho rút khỏi dự án, trừ trường hợp có lý do đặc biệt như sức khỏe không bảo đảm tiếp tục học tập.
Cùng với chính sách thu hút nhân tài (thực hiện từ năm 2000), từ năm 2004, dự án đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách của thành phố - giống như dự án 322 của Chính phủ - “322 của Đà Nẵng” thực sự là một cách làm dài hơi trong việc lấy nội lực để tạo lớp cán bộ nguồn. Vì khi trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng được kỳ vọng là thành phố động lực, là đầu tàu để kéo nền kinh tế miền Trung; và yêu cầu hàng đầu là có một số lượng cán bộ khoa học và công nghệ đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo ông Nguyễn Cửu Huy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Thường trực quản lý dự án thì đến tháng 9-2007, đã có 191 học sinh tham gia dự án, trong đó 124 em được đào tạo ở các trường ĐH trong nước, 67 em theo học các trường ĐH nước ngoài. Trong số này có 179 học sinh thuộc Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, 11 học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh và 1 học sinh Trường THPT Phan Thành Tài. Tổng kinh phí hỗ trợ đã chuyển cho học sinh dự án 32 là trên 22 tỷ đồng.
Dự kiến, ngày 1-8 tới, số học sinh này sẽ về trình diện và nhận nhiệm sở, đây sẽ là dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện dự án khi đón nhận 27 SV khóa đầu tốt nghiệp. Ông Huy cho biết, sau Tết Nguyên đán, các em đã hoàn chỉnh hồ sơ, lý lịch gửi cơ quan thường trực dự án. Nguyên tắc cơ bản là sẽ bố trí đúng ngành nghề, tạo điều kiện cho học sinh hưởng thụ dự án phát huy tốt năng lực chuyên môn đào tạo.
Mới đây, vào tháng 1-2008, dự án 32 đã có một số điều chỉnh, “thông thoáng” hơn, “tính mở” nhiều hơn: chỉ cần học lực đạt loại giỏi, hạnh kiểm tốt liên tục từ năm lớp 10 đến lớp 12 là có thể tham gia xét tuyển chứ không quy định “ngặt nghèo” suốt 12 năm phổ thông như trước đây. Những học sinh có kết quả học tập xuất sắc ở bậc ĐH, có nguyện vọng học tiếp thạc sĩ sẽ được nghiên cứu hỗ trợ. Ngoài ra, học sinh và gia đình có thể lựa chọn mức học bổng toàn phần hoặc bán phần. Theo ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD-ĐT, những điều chỉnh này là cần thiết để vừa tăng cường thêm số lượng học sinh theo học vừa nối tiếp, phát huy một cách có hiệu quả dự án 32.
HÀ LINH