Đối với học sinh thành phố, mùa hè là dịp các em tìm đến các dịch vụ vui chơi, giải trí như đi chơi công viên, xem phim, đi du lịch, trò chơi điện tử, đọc truyện... để “xả hơi” sau một năm học vất vả. Trái lại, với học sinh vùng nông thôn, các dịch vụ vui chơi, giải trí trong mùa hè dành cho các em lại quá thiếu.
Những trò chơi nguy hiểm
Trẻ em ở xã Hòa Bắc tìm niềm vui bằng trò chơi ném bóng ra giữa sông Cu Đê, rồi tranh nhau bơi ra nhặt bóng. |
Các điểm đọc sách báo công cộng dành cho lứa tuổi học sinh cũng chẳng có. Bởi vậy, hằng ngày, học sinh vùng nông thôn vui chơi theo kiểu tụm năm, tụm bảy chơi các trò ô quan, bắn bi, đuổi nhau, trốn tìm... Một số em khác lại rủ nhau đi tắm sông, tắm mương rất nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều lần đến Hòa Bắc, chúng tôi chứng kiến cảnh 4-5 học sinh độ tuổi THCS bơi lội dưới dòng sông Cu Đê, mà không khỏi lo sợ cho tính mạng của các em. Giữa dòng nước chảy xiết, các em chơi trò ném bóng ra giữa sông, rồi tranh nhau bơi ra nhặt bóng.
Cứ thế, kiểu chơi đùa nguy hiểm này lặp đi lặp lại hết ngày này qua ngày khác. Chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Nam Yên cho biết: Trẻ con ở đây thiếu thốn nhiều thứ lắm, kỳ nghỉ hè bọn trẻ đi chăn trâu, làm ruộng... phụ giúp gia đình. Dịch vụ vui chơi, giải trí thì chẳng có, các em rủ nhau ra sông, ra suối vui đùa mà thôi.
“Đói” truyện tranh, sách báo
Nhiều khu vui chơi ở các xã vùng nông thôn được đầu tư xây dựng để... bỏ hoang phế. |
Đầu mùa hè năm học 2007-2008, Sở Giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn mở cửa thư viện để phục vụ các em học sinh đến đọc sách, báo. Song, kỳ nghỉ hè đã trôi qua gần hai tuần lễ, nhưng số trường học mở cửa thư viện phục vụ học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại các thư viện trường học vùng nông thôn, các đầu sách, báo phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông còn khá “khiêm tốn”, không đáp ứng được yêu cầu, sở thích của học sinh.
Em Nguyễn Văn Nam, học sinh Trường THCS Nguyễn Viết Xuân cho biết, em rất thích đọc các tập truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như Kính vạn hoa, Cho xin một vé đi tuổi thơ... nhưng tìm mãi trong thư viện nhà trường chẳng thấy. Còn trong xã thì chẳng có nơi nào cho thuê truyện. Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Hòa Ninh kể rằng: Cứ mỗi kỳ nghỉ hè, vợ chồng tôi xuống phố mua vài cuốn truyện, sách, báo để cho hai con đọc. Thấy mấy đứa nhỏ đọc “ngấu nghiến” mà thương, nhưng khổ nỗi, không có tiền để mua nhiều sách, báo cho các cháu.
Do vậy, chúng cứ đọc đi đọc lại đống sách, báo, truyện cũ. Không có các dịch vụ cho thuê truyện, sách, báo, học sinh vùng nông thôn tìm đến các dịch vụ Internet để chơi điện tử, chat, truy cập các trang web... nên phụ huynh rất khó quản lý các em. Và ai dám bảo đảm rằng, những thông tin trên mạng Internet sẽ hoàn toàn vô hại đối với các em? Xem ra, quyền được vui chơi, hưởng thụ văn hóa trong dịp hè của học sinh vùng nông thôn trong những năm gần đây vẫn chưa được xã hội quan tâm đúng mức.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH