Bút tích ghi ngày 18-6-1999 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn lưu ở trường có đoạn: “Đây là một trường nghĩa thục nổi tiếng, suốt gần 100 năm nay đã từng có những hy sinh và cống hiến đối với sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, giải phóng và xây dựng Tổ quốc”.
Ông Nghè Lâm Quang Tự, người sáng lập Trường An Phước. |
Năm 1908, sau khi nổ ra phong trào “kháng sưu, chống thuế” trên vùng đất phía tây Hòa Vang dưới sự lãnh đạo của Chí sĩ Ông Ích Đường, trường được dời từ xóm Đông ra xóm Đình bên đường 14B. Thầy giáo đầu tiên ở trường mới này là ông Nghè Lâm Quang Tự, ông đi dạy không hưởng lương, ngày hai buổi về ăn cơm nhà. Về sau, hương lý các làng, đi đầu là làng Cẩm Toại, cho trích công điền lập học điền, cử người canh tác thu hoa lợi trợ cấp cho thầy. Lúc đầu chưa đến 20 học sinh ngồi chung một lớp, dần dà học sinh theo học ngày một đông, trường phải mời thêm thầy và mở thêm lớp.
Đến năm 1932, học sinh các tổng bạn như Phước Tường, Thanh An, An Thới, các làng thuộc phủ Điện Bàn gần đó nghe tiếng kéo nhau đến xin học. Việc mở rộng trường đã đến hồi cần kíp. Các học sinh cũ của trường, nhờ giữ vai trò nòng cốt trong các hội đoàn, đã vận động tạo quỹ xây dựng trường, tích cực nhất là Hội Hát bội và Hội Bóng đá.
Hè năm 1938, Hội Hát bội tổ chức hát 3 đêm liền ở chợ Túy Loan, thu được 450 đồng Đông Dương nhưng vẫn chưa đủ tiền xây trường. Các ông Chánh Tiếng và Phó Nghị xin Tri huyện Nguyễn Sĩ Túc cho bán một số hàm Cửu phẩm và Phó Tổng dụng, thu được gần 1.200 đồng. Vẫn chưa đủ! Thầy Hiệu trưởng Đỗ Quảng lúc đó có bài vè lạc quyên: “Bạc làm sẽ có nghìn hai/ Chỉ còn thiếu độ một vài trăm thôi/ Phụ huynh trong tổng ta ơi/ Trước đã giúp rồi nay lại giúp thêm...”.
Thế hệ học sinh Trường tiểu học An Phước hôm nay. |
Có cơ ngơi mới, có sân vận động lớn nhất huyện lúc bấy giờ (do Hội Bóng đá huy động nhân tài vật lực xây dựng), trường đã hoàn chỉnh bậc tiểu học - điều mà nhiều phủ huyện khác lúc đó vẫn chưa đạt được. Giáo dục ở tỉnh Quảng Nam và thành phố nhượng địa Tourane (Đà Nẵng) lúc đó cao nhất cũng chỉ đến trường tiểu học. Ngọn lửa hiếu học nhen nhóm từ Trường An Phước đã cháy bùng thành ngọn đuốc khuyến học lan rộng khắp tổng An Phước, hầu hết các làng đều mở trường lớp tại nhà riêng các thầy.
Từ trường làng Cẩm Toại bước lên trường tổng An Phước, được các bậc hương sư ưu thời mẫn thế trực tiếp dạy dỗ, các thế hệ học trò quanh vùng đã nhận chân thân phận bọt bèo của con dân một đất nước nô lệ, phần lớn về sau đều tham gia phong trào cách mạng tại địa phương, nhiều người được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Từ chiếc nôi văn hóa - lịch sử của vùng đất khó nghèo này, họ đã vươn mình đứng lên hiên ngang trước đạn bom, xiềng xích của kẻ thù đến từ mọi phía, giũ đời nô lệ mà hát khúc tự do.
Nhiều thế hệ học sinh An Phước được tôi luyện và trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều người đã đạt được những học vị, học hàm cao về khoa học và giáo dục. 100 năm qua, trường đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ từ sơ cấp đến trung, cao cấp, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú... Thầy và trò nhà trường đã có nhiều hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập trường, các thế hệ cựu học sinh lại có dịp quay về, đầu xanh bên đầu bạc, cùng hàn huyên chuyện buồn vui một thời cắp sách. Trường xưa đã đổi, thầy cũ đã thay nhưng trong lòng họ vẫn vẹn nguyên một cảm giác bồi hồi, xúc động như ngày nào lần đầu tiên đến lớp. Ký ức ùa về, chất chồng, đầy ắp, nhìn nhau mà thấy cay cay trong mắt.
Một trăm năm gánh vác sứ mệnh trồng người, Trường tiểu học An Phước - trường làng trở thành trường tổng lớn nhất vùng một thuở - mãi mãi ghi một điểm son vào lịch sử giáo dục nước nhà.
VIÊN PHÚC QUÂN