.

Vài suy nghĩ về một ngôi trường

.

Ở Việt Nam, số trường học còn tồn tại ổn định từ ngày thành lập đến nay được 100 năm rất hiếm.

Ở Hà Nội, nơi có nhiều trường nhất nước, nhưng hình như cũng chỉ có Trường trung học Chu Văn An vừa qua kỷ niệm 96 năm thành lập, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, còn các trường khác cũng có lịch sử lâu dài, vẻ vang nhưng vì những biến cố xã hội nên tồn tại không liên tục hoặc đã nhiều lần dời địa điểm hay đổi tên nhiều lần.

Cô và trò Trường tiểu học An Phước. Ảnh: V.T.LÊ

Ngay cả Trường trung học Chu Văn An cũng vậy, ban đầu là Trường trung học Bảo Hộ, được người Pháp thành lập ngày 18-12-1908, nhằm đào tạo những người sẽ thu hút vào bộ máy của họ ở Đông Dương. Vì không muốn thừa nhận tính mục đích đào tạo thể hiện ngay trong tên ấy nên một học trò nào đó ở làng Bưởi đã gọi trường mình học là trường Bưởi. Về sau bè bạn, rồi mọi người gọi mãi thành tên. Qua rất nhiều lần thay đổi địa điểm và cả tạm ngừng giảng dạy, đến cuối 1948 trường mới trở lại với tên Chu Văn An như hiện nay.

Thế mà Trường tiểu học An Phước ở một miền quê ngày xưa hẻo lánh của một tỉnh miền Trung nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn lại giữ được nguyên địa điểm ban đầu cũng như tên gọi cho đến nay quả là một hiện tượng. Hơn thế nữa, nếu chỉ kể các trường sinh ra từ phong trào Nghĩa Thục, Duy Tân, một phong trào yêu nước lấy mục tiêu nâng cao dân trí, phục hưng dân khí, phát triển kinh tế (khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh) làm phương tiện để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của Pháp thì chỉ có Trường An Phước vượt qua được khủng bố đàn áp để tồn tại đến ngày nay.
 
Do đó, Trường An Phước đã trở thành một biểu tượng bất khuất và là niềm tự hào chính đáng của nhân dân miền Tây Hòa Vang nói chung, của xã Hòa Phong nói riêng, những người mà nhiều thế hệ tiếp nối nhau đã góp công sức xây dựng trường, cung cấp vật chất, kinh phí cho trường hoạt động và bảo vệ trường để ngọn lửa trí tuệ không bao giờ tắt ngay cả trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Trong quá trình thành lập, phát triển trường theo phương thức xã hội hóa giáo dục một cách tự phát, bắt đầu từ cụ nghè Lâm Quang Tự, người tiếp nhận và truyền bá tư tưởng của các nhà ái quốc Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, đến những người dân thường chỉ đóng góp sức lao động chân tay, trong đó có vai trò to lớn của tầng lớp trí thức nông thôn, kể cả những người giàu có hoặc làm việc trong bộ máy cai trị của thực dân phong kiến cho thấy trong xã hội Việt Nam, đại đa số tuyệt đối người dân rất yêu nước. Nếu chúng ta biết khơi dậy, biết tôn trọng, biết sử dụng yếu tố ấy thì toàn dân tộc sẽ trở thành một lực lượng vô địch. Thực tế lịch sử Trường An Phước cũng như đường lối đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh rõ ràng chân lý đó.

Tôi nguyên là một học sinh lớp nhì (tương đương lớp 4 trong hệ thống giáo dục hiện nay) niên khóa 1945-1946, được trực tiếp tiếp thu sự giáo dục mới sau Cách mạng Tháng Tám. Các thầy Lê Du, Lê Đình Đôn, Đặng Ngọ… tự biên soạn bài giảng trong lúc chưa có các giáo trình mới của Nhà nước và sự chỉ đạo cấp trên, tập trung vào ba môn trọng tâm là Văn-Sử-Toán, cho thấy tầm nhìn rất sáng suốt đối với nội dung giáo dục cấp sơ học.
 
Các bài học thuộc lòng trích từ Tuyên ngôn Độc lập, từ những bài thơ hừng hực khí thế cách mạng của các nhà yêu nước tiền bối, các đề tài tập làm văn gắn với xã hội mới như tả anh bộ đội, mùa gặt, mùa cấy sau cách mạng, v.v… cùng với chủ trương đưa học sinh dù còn nhỏ tuổi tham gia trực tiếp vào các phong trào dạy bình dân học vụ, phục vụ bầu cử Quốc hội, vận động cho tuần lễ vàng, biểu tình chống “Phái bộ Anh ở Nam Bộ xâm phạm chủ quyền Việt Nam”, hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập”, “Cương quyết kháng chiến”… đã để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng sâu sắc suốt đời.
 
Đó cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất để thúc đẩy thế hệ chúng tôi hầu hết tham gia cách mạng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung của Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, cũng như xây dựng đất nước hiện nay. Và tôi tin rằng dù khi trưởng thành, các cựu học sinh An Phước có thể đi theo các con đường khác nhau cả về chính trị lẫn chuyên môn nhưng tất cả đều giữ những kỷ niệm rất đẹp đối với thầy giáo, với bạn bè, với nhà trường và trong sâu thẳm của tâm hồn hình ảnh của quê hương cũng như lòng mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước, quê hương ngày một giàu đẹp, cường thịnh luôn luôn tỏa sáng.

Năm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập Trường An Phước. Đây là dịp để chúng ta tôn vinh những thầy giáo và những người tiền bối đã có công xây dựng, phát triển trường. Nhưng điều quan trọng hơn là để phát huy tinh thần yêu nước, hiếu học, đẩy mạnh phong trào khuyến học, mở rộng sự tham gia của toàn dân vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ của địa phương, của Hòa Vang, của Quảng Nam-Đà Nẵng.

PGS.TS TRẦN NGỌC TOẢN 
(Trưởng ban liên lạc các cựu học sinh An Phước tại Hà Nội)

;
.
.
.
.
.