.

Bà bán vé số nuôi thí sinh thi đại học

.

9 giờ sáng, mẹ Hồng (các sĩ tử về ở nhà bà trong đợt thi tuyển sinh vào Đại học Đà Nẵng vẫn gọi vậy) tất tả đi nhanh từ chợ về với ba chiếc túi to đựng đầy thức ăn. “Hôm nay nhiều món ngon, lại có cả dưa hấu tráng miệng. Sáng nay tụi nhỏ thi xong môn hóa là môn cuối cùng. Đây là tiệc để tụi nó liên hoan chia tay với mẹ”.

Bà rút khăn lau trán lấm mồ hôi, vui vẻ khoe.

Để tụi nó tự lo, mẹ chẳng yên tâm

Nhà của mẹ Hoàng Thị Hồng thuê (ở tổ 36 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) chỉ rộng 40m² nhưng từ 8 năm nay đã có truyền thống đón thí sinh khắp nơi về ăn ở miễn phí trong những ngày thi tuyển vào Đại học Đà Nẵng. Mẹ năm nay đã 76 tuổi, sống một mình, hằng ngày vẫn phải dậy từ 4 giờ sáng để bắt đầu cuộc hành trình mưu sinh, đi bộ hàng chục cây số bán vé số. Thế nhưng, cứ đến đợt thi tuyển sinh đại học là mẹ nhất định nghỉ ở nhà lo cơm nước cho tụi nhỏ. “Để tụi nó tự lo, mẹ chẳng yên tâm.”

Mẹ Hồng và các thí sinh thi đại học đợt 1 năm 2008.

Cách đây 8 năm, trong đợt thi tuyển sinh đại học, mẹ nhận được 8 “đứa nhỏ” từ Đoàn phường đưa về. Hồi đó mẹ nghe lời “tụi nhỏ”: “Để tụi con tự lo ăn uống, khỏi phiền đến mẹ”. Thi xong môn đầu tiên, trong nhóm tụi nhỏ có thằng Đại quê ở Nghệ An đi ăn cơm bụi về đến đầu giờ chiều thì bị ngộ độc, “Tào Tháo” rượt, vậy là nằm bẹp ở nhà. Mẹ phải gọi xe cấp cứu rồi nuôi nó 3 ngày trong bệnh viện mới về được nhưng thương nó quá, lại hỏng một kỳ thi. Năm sau thì nó đậu Đại học Bách khoa Đà Nẵng, giờ ra trường đi làm được 2 năm rồi.

Sau lần đó, năm nào cũng vậy, đón tụi nhỏ về ở là mẹ nhất định nghỉ bán vé số lo cơm nước ngày đủ ba bữa. Nhất định không để tụi nó ra ăn ở ngoài. “Mẹ bán vé số, lấy đâu ra tiền đi chợ lo cho tụi nó?” - chúng tôi hỏi. Tụi nó toàn con nhà nông, nghèo mới cần mình giúp. Mình lấy tiền ăn thì khó coi. Tuy nghèo nhưng đi chợ 3, 4 ngày là mẹ lo được. Từ đầu năm nay, mẹ đã có sổ lĩnh tiền cứu trợ hằng tháng được 150 ngàn đồng từ trên phường nên cũng đỡ” – mẹ Hồng giải thích. Năm nay, thấy mẹ đón 7 sĩ tử về, bà con hàng xóm đều đến hỏi thăm. Người tặng mẹ chục chén, đĩa, người biếu chục ký gạo, thùng mì tôm, cho mượn vài chiếc chiếu để cùng lo cho tụi nhỏ.

Mẹ đã nuôi thì nhiều đứa đậu đại học

“Đã về nhà mẹ ở, được tay mẹ nuôi thì nhiều đứa đậu đại học”, mẹ Hồng tự hào khi nói đến cái “duyên” nuôi đậu đại học nhiều sĩ tử. Mẹ không tính tỉ lệ bao nhiêu thí sinh được mẹ nuôi đã đậu đại học nhưng theo mẹ, cứ mỗi nhóm về nhà mẹ ở thường thì chỉ có một đứa phải tiếp tục thi lại lần sau. Mẹ biết được điều này vì sau mỗi kỳ thi đại học, mẹ bảo tụi nhỏ ghi lại họ tên, số báo danh để nhờ mấy đứa ở Đoàn phường tra giùm khi có kết quả để báo qua điện thoại.

Nhiều gia đình sau khi nhận tin báo con đậu đại học đã vào Đà Nẵng “rước” mẹ Hồng về nhà cùng bà con ăn mừng trước khi đưa con nhập trường. “Họ nói cảm ơn mẹ đã thay họ lo cho tụi nhỏ”. Mẹ Hồng nhờ thế mà được đi đó đi đây ở nhiều tỉnh khu vực miền Trung, lên cả Tây Nguyên nữa. Có gia đình mời mẹ vào tận Khánh Hòa, nhưng xa quá mẹ không đi được.

Nhiều đứa nay đã ra trường, thỉnh thoảng vẫn viết thư, liên lạc qua số điện thoại nhà cô tổ trưởng dân phố hỏi thăm mẹ, hỏi thăm mấy anh chị ở Đoàn phường. Cũng có đứa mẹ chẳng biết bây giờ làm gì. “Chỉ ở với mẹ có vài ngày mà mấy đứa nó vẫn còn nhớ tới mẹ, vẫn gọi mẹ bằng mẹ thì còn gì hơn hả con” - mẹ Hồng vui vẻ nói như vậy.

Bài và ảnh: HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.