.

Cay lắm, những mùa thi

.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi khối, ngành thi của các thí sinh tự do. Trong đó, nguyên nhân chính là kinh nghiệm, lựa chọn trường phù hợp với sức học của mình. Sau một hay hai năm không đậu trong các kỳ thi, các em đã âm thầm  rút ra được nhiều bài học.

Kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2008 ngoài các sĩ tử là những học sinh vừa tốt nghiệp THPT thì lượng thí sinh tự do chiếm gần 50%. 

Những lựa chọn khôn ngoan

Gần nhau hơn sau những ngày thi.
Đối với những thí sinh thi lần 2, lần 3 thì kỳ thi này đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi cơ hội cho lần thi nữa là rất ít. Với tâm lý đó, các thí sinh đã đặt rất nhiều công sức và hy vọng cho “trận chiến” này. Em Trần Nguyễn Diệu Hương, cựu học sinh Trường THPT Gio Linh-Quảng Trị cho biết: “Năm trước em thi ngành Kinh tế thương mại, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhưng thiếu mất 3 điểm (điểm chuẩn là 20,5).

Năm nay em chuyển về thi Kinh tế Đà Nẵng, ngành Quản trị kinh doanh du lịch-dịch vụ (điểm chuẩn năm 2007 của ngành này là 20). Hy vọng lần này em sẽ thành công”. Với tâm lý e ngại sau một lần thất bại, các thí sinh này đã có những lựa chọn khôn ngoan hơn khi đăng ký vào những trường phù hợp với khả năng của mình chứ không bươn chải chạy theo những ngành “hot” như lần thi đầu tiên.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi khối, ngành thi của các thí sinh tự do. Trong đó, nguyên nhân chính là kinh nghiệm, lựa chọn trường phù hợp với sức học của mình. Sau một hay hai năm không đậu trong các kỳ thi, các em đã rút ra được nhiều bài học cho mình từ chuyện học thế nào, làm bài thế nào cho có hiệu quả? Khi đi thi nên chọn nhà trọ ở đâu cho thuận tiện trong việc đi lại? Chỉ cần nhìn cách các em chọn trường và chọn địa điểm ở trọ cho những ngày thi cũng đủ thấy những thí sinh này đang cố gắng vận dụng một cách có hiệu quả nhất những gì mà mình đã trải nghiệm trong thời gian ôn thi lại.

Người nỗ lực, người dạo chơi

Hầu hết các thí sinh tự do đều lựa chọn con đường đi ôn thi ở những trung tâm lớn. Diệu Hương chia sẻ: “Em thi khối A nên sau khi trượt năm 1, em quyết định đi ôn ở Huế. Khối của em không đi ôn khó đậu lắm. Lúc học em chủ yếu giải bài tập, nhưng trước hết phải nắm vững lý thuyết.
 
Trước lúc bắt đầu một buổi học mới, lúc nào em cũng ôn lại lý thuyết bằng cách viết ra cho dễ nhớ, sau đó tìm giải lại những đề đã giải hôm trước. Nhờ vậy, khi vào bài mới không bị quên và đỡ mất công xem lại lý thuyết khi đang học”. Tuy nhiên, cũng có những thí sinh (chủ yếu là thí sinh khối C) lại lựa chọn con đường tự học ở nhà. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì nếu tự giác và cố gắng thì các em vẫn đủ tự tin để làm bài tốt mà không cần mất thời gian và tiền bạc ở các lò luyện thi. Đây cũng là một bước lựa chọn đầy kinh nghiệm của những em đã có sẵn một nền tảng kiến thức khá vững.

Khắc khoải ngoài trường thi.

Sau một năm vùi đầu trong các lò luyện thi, khi được hỏi phần trăm tự tin của em năm nay là bao nhiêu, Hương khiêm tốn: “Em không quá tự tin như năm đầu nữa mà sẽ cẩn thận hơn trong làm bài. Năm đầu em trượt vì không học hết lý thuyết nên mất 2 điểm phần này. Cứ nghĩ học khối A nên chăm chăm phần bài tập”. Hầu hết các thí sinh thi lại đều mang tâm lý cẩn trọng trong khi học và làm bài thi, không chủ quan như trước.

Nhưng, không phải tất cả các thí sinh đều thật sự rút ra được bài học cho bản thân sau một đôi lần thất bại. Đó là trường hợp của Nguyễn M. A, cựu học sinh Trường THPT Đào Duy Từ, Đồng Hới, Quảng Bình. Dù đã đi thi lần thứ 3 nhưng M.A chỉ xem đây là một cuộc dạo chơi. Cậu công tử con nhà giàu này chỉ xem thi cử là chuyện vui vì có bố là giám đốc một công ty lớn. Trước giờ thi, trái ngược lại vẻ mặt lo lắng của nhiều thí sinh có dáng vẻ “hơi khắc khổ”, cậu có vẻ điềm nhiên “Chiều ý ông bô, bà bô mà đi thi thôi. Thật ra thì em đang học năm 2 đại học tại chức ngoài Quảng Bình rồi.
 
Đậu hay không em không quan tâm lắm. Chẳng lẽ bố lại để em… thất nghiệp”. Tâm lý dựa vào ô dù của bố mẹ đã làm cho một bộ phận sĩ tử không quan tâm nhiều đến kết quả sau khi thi. Chẳng biết, bố mẹ M.A khi nghe cậu nói câu này sẽ nghĩ như thế nào khi bao nhiêu niềm hy vọng và tiền bạc đều dồn vào cậu quý tử.

Trái ngược với M.A, Ngô Thị Thảo Ly, cựu học sinh lớp 12A3 Trường THPT Sào Nam, Duy Xuyên, Quảng Nam một thân một mình ra Đà Nẵng tự tìm phòng trọ để thi vào trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Ly cho biết: “Lớp em năm rồi đậu gần hết, thiếu 1 điểm để vào được Trường Đại học Ngoại thương là một nuối tiếc lớn của em. Vừa rồi, nhờ các thầy cô cũ tư vấn để chọn trường, em vẫn giữ nguyên khối D nhưng chuyển hướng thi vào ngành Quốc tế học thuộc ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, như vậy sẽ có nhiều cơ may được làm sinh viên. Trước đây do hơi bị “tự tin” vào sức học của mình nên em tự ý chọn trường, không quan tâm nhiều đến sự tư vấn của thầy cô. Bỏ mất một năm, ngồi ở nhà mới thấy thấm thía nỗi buồn thi trượt”.

Phần đông những sĩ tử sau khi bước ra khỏi phòng thi đều có ít nhiều tiếc nuối. Bạn Lê Bi ở Cầu Hai, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế nói lại cảm giác của mình: “Lần đầu đi thi, mình bị khớp nên làm bài không mấy tự tin. Bị gãy môn Lý nên mình chẳng còn tâm trạng nào để thi môn Hóa. Nghĩ lại thấy tiếc”. Không tiếc sao được khi ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng lấy 22,5 điểm, trong khi Bi được 22,0 điểm. Thiếu nửa điểm, Bi đã đánh mất cơ hội trở thành sinh viên ở ngôi trường mình mơ ước.

Lần này, sau 3 môn thi, Bi có vẻ tươi tỉnh khi nói với ba: “Năm nay con làm bài tốt hơn năm ngoái. Hy vọng sẽ đậu.”. Ông Lê Ni (bố của bạn Lê Bi) nở nụ cười nhẹ nhõm. Mong sao, người nông dân già ấy sẽ vui suốt đoạn đường chở con về lại Huế và cầu chúc cho Bi vào được ngôi trường mà cậu và gia đình mơ ước.“Học đã sôi cơm mà chửa chín/Thi không ăn ớt thế mà cay”. Hai câu thơ hóm hỉnh trong bài “Thi hỏng” của Trần Tế Xương bao đời nay vẫn đúng với rất nhiều sĩ tử mỗi mùa thi về.

TIỂU YẾN – KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.