.

Chuẩn bị triển khai cho sinh viên tiếp tục vay vốn

.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa năm học 2008-2009 mới bắt đầu, nhưng ngay từ bây giờ, không ít các bậc cha mẹ đã tất bật, lo lắng tìm nguồn tài chính ổn định để cung cấp cho con em khi đi học. Và nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được xem là nguồn vốn vay được nhiều người chờ đợi nhất.

Bởi, không chỉ được vay 800.000 đồng/người/tháng trong suốt quãng thời gian đi học, mà với lãi suất cho vay rất thấp 0,5%/tháng (xấp xỉ bằng 1/3 so với mức cho vay thông thường hiện nay), nên không có gì ngạc nhiên khi đa số gia đình có con em đi học rất kỳ vọng vào nguồn vốn vay này.

Làm thủ tục vay vốn ở Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu. (Ảnh tư liệu)


Trên thực tế, sau một năm triển khai chương trình tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố, kết quả bước đầu khẳng định chính sách này đã được thực hiện hiệu quả và giải quyết được nhiều khó khăn cho hàng ngàn hộ gia đình có con em đi học.

Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến cuối tháng 6-2008, có 6.909 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập, với tổng dư nợ cho vay trên 43 tỷ đồng. Chính sách tín dụng này đã thực sự đi vào cuộc sống, vốn vay của Nhà nước đã giúp hàng ngàn học sinh, sinh viên đủ trang trải học phí và sinh hoạt phí để theo học. 

Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng tăng của học sinh, sinh viên, rất nhiều ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng, phạm vi cho vay, nhất là đối với hộ gia đình có nhiều con đi học cùng một lúc. Và cũng không nhất thiết phải là diện nghèo, ai có nhu cầu vay để học tập thì nên giải quyết. Bởi theo bạn Võ Nguyễn Hoài Thương, sinh viên Trường Đại học Kinh tế, khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương, các vùng miền còn khác xa nhau, nên việc xác định sinh viên thuộc diện nghèo cũng chưa thật chính xác.
 
Có vay là có trả, và phải quản lý cho được tiền vay sử dụng đúng mục đích, đó mới là vấn đề chính. Theo ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, để chuẩn bị cho năm học 2008-2009, Đà Nẵng sẽ có khoảng 60 tỷ đồng được giải ngân cho học sinh, sinh viên vay. Số tiền này sẽ được cấp ngay khi ngân hàng nhận đủ thủ tục từ các trường, UBND các xã, phường, các Hội... Các phương án cho vay đã được ngân hàng chuẩn bị đầy đủ, với phương châm không để học sinh phải nghỉ học vì không nhận được vốn.

Song, lãnh đạo ngân hàng cũng lo lắng khi thời hạn trả nợ của sinh viên phải sau 4-5 năm được vay, như vậy nguồn ngân sách chắc chắn sẽ phải tăng bù thêm hằng năm mới đủ cấp cho sinh viên vay. Bên cạnh đó, nỗi lo về giám sát vốn vay, xác định đối tượng thụ hưởng, do được thực hiện bởi địa phương và các trường, nên ở mức độ nào đó có thể gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ sau này.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.