.
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO ĐÀ NẴNG

Bài 2: Nhìn từ kết quả năm học 2007- 2008

.

Đặc biệt, ngành đã làm tốt công tác phát hiện tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi các bộ môn văn hóa, năng khiếu nên kết quả thi học sinh giỏi các cấp đã có những chuyển biến và tiến bộ.

Trong năm học có 45 giải trong số 60 học sinh dự thi, đạt tỷ lệ 73,33%, tăng so với năm học trước 13,3%; trong đó có 5 giải nhất, 6 giải nhì, 21 giải ba và 13 giải khuyến khích, chất lượng và thành tích giải của học sinh cao hơn các năm học trước; đây là 5 năm liên tục thành phố có học sinh tham gia đội tuyển dự các kỳ thi Olympic quốc tế.
 

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh trong ngày khai giảng năm học 2007 - 2008. Ảnh: NGỌC ĐOAN


Trong kỳ thi Olympic môn vật lý châu Á lần thứ 9, em Huỳnh Minh Toàn, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã xuất sắc đoạt huy chương bạc và được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic vật lý quốc tế năm 2008; em Nguyễn Quốc Toán nhận bằng khen trong kỳ thi Olympic vật lý châu Á lần thứ 9. Ở môn tin học, em Nguyễn Bá Cảnh, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được chọn vào đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế môn tin học sắp đến.

Nói đến thành tích các giải học sinh giỏi, anh Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố phấn khởi cho biết: Trong 5 năm gần đây, số giải học sinh giỏi bằng 45% so với tổng số giải học sinh giành được giai đoạn từ năm 1979 đến năm 2002. Số học sinh giỏi này đã được thành phố đầu tư cho đi đào tạo trong và ngoài nước (65 em đào tạo ở nước ngoài) thuộc 17 ngành thành phố đang có nhu cầu với nguồn kinh phí hơn 33,8 tỷ đồng; đến nay đã có 181 em đang học ở các trường đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học các em sẽ được thành phố ưu tiên bố trí vào các cơ quan quản lý Nhà nước.

Từ năm học 2007-2008 nhìn lại, có thể thấy, công tác đầu tư cho ngành GD-ĐT của thành phố Đà Nẵng và kết quả đạt được của ngành thuộc diện đi đầu cả nước. Số tiền 33,8 tỷ đồng đầu tư cho đào tạo như nêu trên là một minh chứng cụ thể. Nói về đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên giảng dạy, ngành GD-ĐT Đà Nẵng dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng và chất lượng, đã đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành ít nhất từ nay đến năm 2010. Số cán bộ, giáo viên có trình độ từ cao học trở lên đã vượt quá chỉ tiêu quy định của Chính phủ trong giai đoạn 2001-2010 với 2 tiến sĩ, 220 thạc sĩ, 6 nghiên cứu sinh, 55 người đang theo học cao học các chuyên ngành.

Ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã có tổ bộ môn 100% cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ; các trường THPT đều có thạc sĩ. Cơ sở vật chất, trường học đã bảo đảm yêu cầu người học. Trong 10 năm qua, số diện tích đất được mở rộng cho trường học gần 600 nghìn mét vuông, tổng số tiền đầu tư cho giáo dục hơn 700 tỷ đồng.
 
Nhờ đó, hiện nay Đà Nẵng có các chỉ số phát triển con người đứng vào tốp 3 của toàn quốc; công tác xã hội hóa giáo dục và ngành học mầm non thuộc hàng tốt nhất cả nước. Từ những kết quả của ngành GD-ĐT, chúng ta hy vọng trong tương lai gần Đà Nẵng sẽ tăng tốc trên con đường phát triển chính từ những con người được cả thành phố tập trung đào tạo hôm nay.

THANH GIÁN

    
>> Bài 1: Nhìn từ kết quả năm học 2007-2008

;
.
.
.
.
.