.

Huỳnh Minh Toàn: Học giỏi, nhiều đam mê

.

Trưa nay 29-7, em Huỳnh Minh Toàn, đại diện duy nhất của Đà Nẵng có mặt trong đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008) sẽ về đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng cùng với tấm Huy chương vàng. Trước đó, nghe giọng Toàn thông báo kết quả qua đầu dây điện thoại, gia đình, người thân vô cùng vui sướng như được “bay lên mây” (theo lời của ba em), nhưng không ai “sốc” bởi em là một học sinh có tố chất khá đặc biệt.

Học hai năm lớp 1 vì… quá giỏi!

Ba tháng sau ngày nhận HCB Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á (4-2008), cậu học trò lớp 12A3 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng lại tự hào đeo tiếp tấm HCV Vật lý quốc tế trên cổ áo. Thành tích “đáng nể” này là kết quả của một quá trình tự học nghiêm túc.

Huỳnh Minh Toàn (thứ hai, từ phải sang) cùng các thành viên Đoàn học sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008)  Ảnh: TTXVN


Huỳnh Minh Toàn bắt đầu học chuyên Vật lý từ năm lớp 8. Cũng từ đó, Vật lý và giải thưởng đã đồng hành với em suốt nhiều năm học. Tuy nhiên, không phải đến lúc ấy khả năng học tập của Toàn mới được phát hiện, mà ngay từ năm lên 3 tuổi em đã tỏ ra vượt trội so với các bạn đồng lứa. 5 tuổi, Toàn vào lớp 1 học dự bị. Cô giáo bất ngờ trước sức học xuất sắc của em và đề nghị gia đình xin chuyển em lên thẳng lớp 2. Biết con học được, nhưng ba mẹ vẫn quyết định để Toàn học thêm một năm lớp 1 nữa cho đủ tuổi.

Chia sẻ niềm vui với phóng viên, ba em Toàn, ông Huỳnh Văn Hảo (giáo viên Toán Trường THCS Lương Thế Vinh) rạng ngời niềm hạnh phúc khi nhắc về cậu con trai mê học và biết tự giác trong cuộc sống ngay từ thuở còn bé xíu. Việc Huỳnh Minh Toàn mê học trở thành một câu chuyện dài kỳ. Hồi học cấp 1, mỗi lần ông nội ghé nhà chơi thường la ba mẹ em sao bắt con học quá nhiều. Thực tế, chính ba mẹ em cũng “đau đầu” vì con mãi học mà quên ngủ, quên chơi. Nhiều cu cậu ngồi ngay sân nhà Toàn chơi bắn bi, đuổi bắt để “dụ” bạn ra khỏi bàn học, nhưng Toàn vẫn nhất quyết “hổng dám đâu, em còn phải học bài”. Cứ thế, nhiều lần những người bạn thời thơ ấu đặt cho Toàn biệt danh “Bác học”.
 
Lên lớp 3, Toàn đã có sổ tay riêng ghi chép tất tần tật kiến thức thu nhặt được từ ti-vi, sách, báo. Ham tìm hiểu và tìm hiểu đến tận cùng vấn đề là đặc điểm nổi bật của Huỳnh Minh Toàn. Mới học phép tính chia, Toàn về nhà hỏi ba: “Vì sao 6 : 3 = 2?”. Mặc dù ba dùng kinh nghiệm dạy Toán cho học trò để giải thích, nhưng thấy không thỏa mãn, Toàn đã bật khóc! Về bí quyết giúp Toàn học giỏi, ông Hảo cho biết: “Chắc có lẽ đó là sự tập trung tuyệt đối. Dù em học chuyên nhưng không lơ là bài tập dễ trong sách giáo khoa. Em chưa bao giờ đi học thêm. Mỗi mùa hè, Toàn lại mang sách của tất cả các môn ra học trước. Không những vật lý mà toán, văn, giáo dục công dân… môn nào em cũng học đàng hoàng”.

Nhìn im im nhưng lại rất sôi nổi

Hỏi ai là người cuối cùng của đoàn Việt Nam rời các buổi giao lưu với bạn bè quốc tế trong các đợt thi Olympic, câu trả lời từ các thầy cô giáo theo đoàn chính là: Huỳnh Minh Toàn. Nhiều lúc không nói quá hai câu nhưng khi chơi, Toàn sẵn sàng hòa nhập tưng bừng. Mê nhạc đến nỗi không có chiếc máy cassette bên cạnh Toàn học không vô. Từ tiền chiến đến các ban nhạc nổi tiếng nước ngoài, ngồi vào bàn học thì nhạc phải… nổi lên. Mê bóng đá đến nỗi điều đọng lại sau cuộc thi Olympic vật lý châu Á tại Mông Cổ là được… chơi bóng sau bao ngày “ghìm nén” vì tập trung học với những người bạn ít ham thể thao.
 
Mê mày mò máy móc đến mức nhìn người khác sửa một lần là biết làm lại và làm chính xác vì lén vẽ sơ đồ máy. Mê đọc sách đến nỗi đi đâu cũng mang theo cái gì đó để đọc... Đó là đôi nét về Huỳnh Minh Toàn với nhiều đam mê. Thầy Ngô Ngọc Thủy, giáo viên Lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận xét: “Nhìn im im nhưng Toàn rất sôi nổi. Em là người biết nghe lời, biết sắp xếp giờ nào việc nấy, nhất là kiến thức luôn đạt phong độ ổn định”.

THU HOA

Công bố các giải thưởng của Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39
* Huỳnh Minh Toàn, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng đoạt Huy chương vàng

Sáng 28-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã họp báo công bố kết quả Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Trong số 376 học sinh của 82 nước và vùng lãnh thổ tham dự thi có 46 học sinh đoạt Huy chương vàng, 47 học sinh đoạt Huy chương bạc, 78 học sinh đoạt Huy chương đồng và 87 học sinh đoạt Bằng khen.
 
Học sinh đạt kết quả thi cao nhất là Longzhi Tan, người Trung Quốc với 44,6 trên tổng số 50 điểm (20 điểm thực hành và 30 điểm lý thuyết). Giải thưởng dành cho thí sinh đoạt điểm thi lý thuyết cao nhất cũng thuộc về Longzhi Tan, học sinh Trung Quốc. Giải thưởng dành cho thí sinh đoạt điểm thi thực hành cao nhất thuộc về Yi-Shu Wei, thí sinh Đài Loan (đoạt điểm tuyệt đối: 20/20 điểm).

Trung Quốc, Đài Loan có nhiều học sinh đoạt giải thưởng cao, cùng có 5 học sinh đoạt Huy chương vàng; tiếp đến là Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam (cùng có 4 học sinh đoạt Huy chương vàng)... Đây vẫn là các quốc gia luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các kỳ IPhO thế giới.

Về bảng tổng sắp kết quả Kỳ thi IPhO 2008 của các cá nhân như sau: 3 vị trí dẫn đầu thuộc về đoàn Trung Quốc: Longzhi Tan (44,6 điểm), Biao Lian : 42,8 điểm, Quan Zhou: 42 điểm. Vị trí thứ 4 là Kevin Winata Wong: 40,73 điểm, học sinh người In-đô-nê-xi-a. Thứ 5 là Joohun Kim: 39,7 điểm, học sinh Hàn Quốc. Thứ 6 là Junjiajia Long: 39,4 điểm, học sinh người Canada. Thứ 7 là Yi-Shu Wei: 38,75 điểm, học sinh Đài Loan.
 
Thứ 8 là Dmitrii Lemesevski: 38,6 điểm, học sinh Môn-đô-va. Thứ 9 là Ying - Yu Ho: 37,75 điểm, học sinh Đài Loan. Thứ 10 là Junghoan Park: 37,7 điểm, học sinh Hàn Quốc. Vị trí thứ 11 và 12 thuộc về 2 học sinh của Việt Nam là Huỳnh Minh Toàn (37,5 điểm) và Đỗ Hoàng Anh (37,71 điểm).
Giải thưởng dành cho học sinh nữ đạt kết quả cao nhất tại IPhO thuộc về em Andrada Ianus của Ru-ma-ni, đạt 32,9 điểm.

Đoàn học sinh Việt Nam có 5 em thì 4 em đoạt Huy chương vàng và 1 em đoạt Huy chương đồng. Đây là lần đầu tiên một đội tuyển dự thi học sinh giỏi Olimpic quốc tế của Việt Nam đoạt nhiều Huy chương vàng nhất từ trước tới nay, không chỉ đối với bộ môn Vật lý mà con đối với tất cả các môn học khác.
            
(Theo TTXVN)


;
.
.
.
.
.