.

Sinh viên đi làm giám thị

.

Những năm gần đây, việc một số lượng lớn sinh viên được nhà trường giao nhiệm vụ đi coi thi không còn là chuyện hiếm thấy. Phần lớn các em là cán bộ lớp, có học lực khá giỏi và hạnh kiểm tốt. Sự có mặt của đội ngũ này đã giải quyết được bài toán thiếu giám thị trong các kỳ thi tuyển sinh đại học trước đó.

Một lực lượng đáng tin cậy

Đó là lời khẳng định của Tiến sĩ Tăng Tiến Chiến, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Đại học Đà Nẵng. Với việc điều động một số lượng lớn sinh viên các trường đại học trong thành phố đã giúp cho công tác chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Tiến sĩ Tăng Tiến Chiến cho biết: “Lợi thế của các em là đã trải qua nhiều kỳ thi, có kinh nghiệm trong thi cử nên tiếp thu và thực hiện các công đoạn trong vai trò giám thị rất tốt, lại có tinh thần trách nhiệm cao và nghiêm túc trong khi làm nhiệm vụ.

Hình ảnh những  giám thị là sinh viên đã trở nên quen thuộc trong các kỳ thi tuyển sinh đại học.

Có những việc nếu không điều động sinh viên thì khó mà hoàn thành tốt được, như việc dán ảnh vào phiếu dự thi cho thí sinh cũng đã tốn mất 20 ngày. Nếu chỉ điều động cán bộ sẽ còn kéo dài hơn vì họ không có thời gian. Với những gì sinh viên đã làm được, Đại học Đà Nẵng luôn xác định đây sẽ là lực lượng cán bộ lâu dài cho các kỳ thi đại học”. Được Hội đồng Tuyển sinh tin tưởng và giao nhiệm vụ này là một niềm tự hào lớn đối với những sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, đi kèm với đó là tâm trạng lo lắng và không ít áp lực.
 
Bùi Hoàng Hải, sinh viên năm 4 Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, coi thi tại điểm thi Trường Lý Thường Kiệt vừa qua chia sẻ: “Năm nay là năm thứ 2 em đi coi thi. Lớp em có 4 người. Mặc dù đã có chút ít kinh nghiệm từ mùa thi năm ngoái nhưng cũng thấy lo lắm. Lo không hoàn thành được nhiệm vụ sẽ bị xử lý kỷ luật. Ở trong phòng thi phải đi đi lại lại hoài, nhiều lúc mỏi chân nhưng không dám ngồi”. Tuyển sinh đại học luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến trình độ, tương lai của một thế hệ sắp được đào tạo; mà còn là niềm tin, sự hy vọng và mong mỏi của nhiều gia đình.

Chính vì thế, mục tiêu công bằng - chính trực trong công tác coi thi luôn được đặt lên hàng đầu nhằm bảo đảm cho một kỳ thi an toàn và chất lượng. Bỡ ngỡ hơn Hải, em Bùi Huỳnh Phương Thảo, sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngoại ngữ tâm sự về những cảm xúc lần đầu đi coi thi: “Em hồi hộp lắm, suốt buổi thi cứ mong đừng có chuyện gì xảy ra.

Nhất là mong các em đừng có giở tài liệu. Mặc dù nhiệm vụ được giao, tụi em sẽ luôn cố gắng hoàn thành nhưng thật lòng em không muốn phải ký vào một biên bản xử phạt nào cả”. Được biết, trước lúc kỳ thi được bắt đầu, nhà trường cũng như tại các điểm thi đã tổ chức tập huấn về những kỹ năng cần thiết để các em không bị lúng túng khi làm nhiệm vụ như: Đánh số báo danh, ký giấy thi, hướng dẫn thí sinh làm bài thi trắc nghiệm, xử phạt những thí sinh vi phạm...

Không giống với các giáo viên, những sinh viên khi bước vào phòng thi với vai trò giám thị không ít thì nhiều đều mang một chút bồi hồi, xúc động bởi cách đây không lâu các bạn cũng đã từng trải qua những ngày thật sự căng thẳng và lo lắng như các em học sinh bây giờ. Dường như giữa cái nóng của tháng 7 và trong không khí căng thẳng ở các phòng thi vẫn tìm thấy được một sự đồng cảm nào đó giữa những “giám thị sinh viên” với các thí sinh.

Đi coi thi cũng là cơ hội để rà soát lại kiến thức

Đối với hầu hết sinh viên thì những ngày coi thi quả là cơ hội tốt để một lần nữa thử sức và đánh giá lại kiến thức của mình với các đề thi. Chính vì vậy mới có trường hợp các “giám thị” của chúng ta hứng khởi ngồi giải bài ngay trong phòng thi mà quên mất đây là điều tối kỵ. Tuy bây giờ đã không còn xảy ra những chuyện “cười ra nước mắt” như vậy nữa, nhưng qua đó cũng cho thấy, tuyển sinh đại học không chỉ là kỳ thi riêng của học sinh THPT mà nó còn là kỳ thi của cả một hệ thống từ giáo viên cho đến sinh viên. Nhận xét về đề thi năm nay, Hoàng Hải cho biết: “Năm nay, đề thi khó hơn năm ngoái, nhất là đề toán.

 

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay, Hội đồng Tuyển sinh Đại học Đà Nẵng điều động 1.367 sinh viên làm nhiệm vụ coi thi. Cụ thể:

- Đợt 1: 1.012 SV/2.027 cán bộ coi thi, chiếm tỷ lệ 49,92%.

- Đợt 2: 355 SV/1.245 cán bộ coi thi, chiếm tỷ lệ 28,51%

 
Nhưng theo em cách ra đề như vậy sẽ đánh giá được thực chất trình độ của học sinh, sẽ không có cơ hội cho những ai mang tâm lý học tủ hay làm bài theo cách đánh lô tô. Với số lượng 50 câu/90 phút, đòi hỏi thí sinh phải học kỹ, học sâu mới làm bài được. Chắc chắn người được lựa chọn sẽ là người xứng đáng nhất”. Đối với người lần đầu làm nhiệm vụ như Phương Thảo thì: “Em thấy việc giám sát thi ngày càng nghiêm túc và khó hơn. Việc làm bài theo hình thức trắc nghiệm sẽ rút ngắn được công sức và thời gian cho người coi thi, thí sinh và cả người chấm. Và nhất là hạn chế được tối đa việc thí sinh dùng tài liệu”.

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008 của Đại học Đà Nẵng đã đi qua, trong đó ghi dấu sự cố gắng không ngừng của tập thể giáo viên cũng như sinh viên tham gia coi thi. Và theo nhận xét của các thầy, cô giáo thì ban đầu các bạn sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục thi cho thí sinh; tuy nhiên, với tư chất nhanh nhẹn và nhiệt tình, các em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.