.
ÁO DÀI TRẮNG VÀ ĐỒNG PHỤC HỌC ĐƯỜNG

Cần có những quy định khoa học hơn

.

Đối với các em nữ sinh, việc mặc áo dài đến lớp là vẻ đẹp và tự hào. Tuy nhiên, việc mặc áo dài như thế nào để vừa đẹp, vừa dễ chịu, thoải mái, không bất tiện trong sinh hoạt; vừa dễ tiếp thu bài vở, không vướng víu khi làm thí nghiệm, thực hành, học ngoại khóa… thì cần có những quy định cụ thể và khoa học hơn.

        >>> Có nên bắt buộc nữ sinh mặc áo dài cả tuần? 
        >>> Nữ sinh và áo dài

Mặc áo dài như thế nào cho đẹp?

Có những hành vi khó coi của một số em nữ sinh khi tan trường là vội cuốn ngay tà áo dài vắt lên cạp quần, nhiều em còn cột hai tà lại với nhau, có chiếc áo dài bị “biến tấu” thành chiếc “áo tứ thân” với “mớ bảy mớ ba” lòng thòng… Cứ như thế, các em “dung dăng dung dẻ” khắp phố phường trước ánh mắt khó chịu của nhiều người. Với lý do vướng víu, nóng nực, nhiều nữ sinh còn xắn hai ống tay áo đến tận khuỷu; mở luôn mấy hạt cúc ở cổ và vài chỗ khác; nhiều nữ sinh còn cố tình “phá cách” bằng cách mặc những chiếc áo dài thật mỏng; có em còn “copy” những mẫu áo dài thời trang hở, khoét và ngắn như các ca sĩ, người mẫu trình diễn trên sân khấu…

Nữ sinh Huế - áo xanh rộn ràng đến lớp.

Có thể nói, nguyên nhân chính của những kiểu ăn mặc trên là do nữ sinh thiếu sự tư vấn của các bậc phụ huynh và nhà trường. Nhiều nữ sinh khi đến hiệu may cứ đòi xẻ tà cho cao, may thật bó vào người, vải thì thật mỏng, hoặc may sao cho giống kiểu của người mẫu A, ca sĩ B... Tại các trường, việc hướng dẫn nữ sinh mặc áo dài thế nào cho đẹp dường như bị bỏ ngỏ, hiện chưa có trường nào quy định cách mặc áo dài của nữ sinh. Một cô giáo cho biết, đó là vấn đề tế nhị, các cô cố gắng nhắc nhở về ý thức của học sinh thôi.

Quá nhiều bất tiện

Mặc dù các em nữ sinh đều bảo rằng: “Mặc áo dài trông cũng đẹp và duyên dáng lắm!”, nhưng đa số đều thấy bất tiện. Mùa đông rét mướt, thương lắm các em nữ sinh mỏng manh trong chiếc áo dài, tuy có khoác thêm chiếc áo ấm cho ấm ngực nhưng cái quần thì mỏng tanh, lạnh ngắt. Mùa hè nóng nực, mặc áo dài càng làm nóng bức và dẫn đến mệt mỏi. Ngoài ra, mặc chiếc áo dài, nữ sinh khó có thể vận động, chạy nhảy thoải mái; trong những “ngày ấy” thì thật lo sợ; vào những ngày mưa, sẽ làm bẩn hết áo dài…

Thế nhưng, một số trường THPT trong thành phố hiện nay còn bắt buộc các em nữ sinh phải mặc áo dài đến lớp vào tất cả các ngày trong tuần, không chỉ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả học tập của nữ sinh. Nhiều gia đình lo lắng thực sự vì mỗi em phải có 2 bộ áo dài mặc thay nhau, trong khi giá mỗi bộ hiện nay không dưới 200 ngàn đồng. Em H.D (Trường THPT Thái Phiên) buồn rầu: “Nhà em nghèo, không có tiền để may áo dài nên phải đi xin áo dài cũ của các chị để mặc. Em ước ao được một lần mặc áo dài mới, nhưng bữa nay giá cả leo thang, để sắm một bộ áo dài mới cũng phải hơn 200 ngàn đồng rồi…”. Nên chăng, chỉ bắt buộc các em mặc áo dài vào một số ngày trong tuần, chẳng hạn như vào đầu tuần, cuối tuần và những ngày lễ; hoặc mặc áo dài 3 ngày/tuần...

Nhìn ra nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển, người ta không quan tâm nhiều lắm đến trang phục học đường. Học sinh, sinh viên chỉ cần ăn mặc sao cho gọn gàng, lịch sự, thoải mái là được, nhưng chất lượng học tập của họ rất cao. Còn ở ta, vì còn là bản sắc văn hóa truyền thống, nên cần có những quy định thật khoa học về trang phục học đường, nhất là áo dài đối với nữ sinh sao cho các em cảm thấy vừa đẹp, vừa dễ chịu với cách ăn mặc, thoải mái; vừa dễ tiếp thu bài vở, không vướng víu khi thí nghiệm, thực hành, học ngoại khóa…

Một cách làm hay

Ở Huế, từ cách đây 2 năm, các trường THPT quy định, nữ sinh mặc áo dài vào các ngày thứ hai, thứ ba (đầu tuần) và thứ sáu, thứ bảy (cuối tuần); còn vào hai ngày thứ tư và thứ năm, thì tất cả đều mặc áo xanh Đoàn Thanh niên đến lớp. Các em nữ sinh Trường THPT Quốc Học - Huế nói rằng: “Chúng em thấy mình lớn hơn, tự tin hơn; thuận tiện, chơi đùa, hoạt động được nhiều hơn và chúng em học tập nghiêm túc hơn để xứng đáng với màu áo xanh Đoàn Thanh niên đang khoác trên mình!”. Theo chúng tôi, đây là một cách làm hay, nên chăng, các trường THPT trong thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu ứng dụng cách làm này.

Bài và ảnh: HOÀNG QUYÊN

;
.
.
.
.
.