Ngày 20-8, tại hai đầu cầu truyền hình trực tuyến ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội thảo: “Sinh viên với đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp”. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, các doanh nghiệp và hơn 700 sinh viên của gần 60 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp cần phải được triển khai đồng bộ, từ các chính sách vĩ mô của Nhà nước đến sự năng động thay đổi cách làm giáo dục của nhà trường cũng như sự phối hợp hiệu quả của các doanh nghiệp và sự chủ động, tích cực tham gia của sinh viên. Sinh viên chính là một trong những nhân tố quyết định cho sự thay đổi, sự tiến bộ và phát triển của xã hội trong quan hệ đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực...
Qua các cuộc khảo sát của Dự án Giáo dục đại học cho thấy: Chỉ có khoảng 60% sinh viên đã tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng (trong đó khoảng 20% có việc làm rất phù hợp); 30% tìm được việc làm ít sử dụng đến chuyên môn được đào tạo; số còn lại làm việc không liên quan đến chuyên ngành được đào tạo. Kết quả khảo sát cũng cho biết, 85% sinh viên tìm được việc làm là do tự học, 55% - 60% là nhờ vào vốn kiến thức về ngoại ngữ và kỹ năng tin học. Đặc biệt có đến 90% sinh viên không tìm được việc làm là do thiếu kinh nghiệm, không thể hiện được năng lực của bản thân trong khi phỏng vấn xin việc, trong đó có 80% sinh viên không tìm được việc làm do khả năng ngoại ngữ yếu...
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng diễn ra ở các ngành nghề: tài chính - ngân hàng (năm 2007 chỉ số nguồn cung tăng 30% song vẫn chưa đuổi kịp mức tăng của nguồn cầu là 142%); du lịch (Việt Nam hiện còn thiếu khoảng hơn 1.000 hướng dẫn viên du lịch làm việc quốc tế, giỏi ngoại ngữ); dệt may, da giày, gỗ... Theo dự báo của Bộ Tài chính đến năm 2010, nhu cầu nguồn nhân lực các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá cần khoảng 13.500 người. Riêng ngành công nghệ thông tin, để đạt được mục tiêu doanh thu phần mềm 800 triệu USD vào năm 2010, Việt Nam cần khoảng 80.000 kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp.
Bên cạnh sự tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để tiếp cận dần với nhu cầu xã hội của các nhà trường, các doanh nghiệp chủ động phối hợp, hỗ trợ với các nhà trường trong quá trình đào tạo, vấn đề đặt ra là ở sự chủ động của sinh viên. Sinh viên cần thiết có sự đổi mới trong nhận thức, tư duy và phương pháp học tập theo hướng tích cực.
(Theo TTXVN)