.

Vợ chồng nghèo nuôi 6 con ăn học thành đạt

.
Hoàn cảnh nghèo khó, làm nghề rèn, nuôi 6 con ăn học đến nơi đến chốn (5 người đỗ đại học và 1 đỗ cao đẳng), trở thành một gia đình hiếu học tiêu biểu ở thành phố Đà Nẵng. Đó là vợ chồng anh Đoàn Văn Hội và chị Vũ Thị Thảo, trú tại tổ 49 phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Cũng chồng rèn, vợ đập, nhưng bây giờ tay búa của vợ chồng anh Hội, chị Thảo đã nhẹ nhõm hơn nhiều.
Sau khi rời quân ngũ, anh Hội chuyển ngành về công tác tại Xí nghiệp Xe đạp Quảng Nam - Đà Nẵng và đến năm 1983 thì về hưu. Quê ở Nam Định nhưng anh Hội đã quyết định đưa cả gia đình vào Đà Nẵng cư trú và chọn nghề thợ rèn làm phương kế mưu sinh. Hằng ngày, hai vợ chồng tìm đến các cơ sở phế liệu, chọn mua sắt tận dụng đem về chế biến thành các dụng cụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng.

Với một chiếc bếp lò, chồng rèn vợ đập, anh chị làm ra nhiều loại sản phẩm như dao, rựa, búa, bay, lưỡi liềm, lưỡi cuốc... Làm ra sản phẩm đã khó nhọc, đến khâu tiêu thụ lại càng vất vả hơn. Vốn ít, sức yếu, địa điểm chật hẹp, nên anh chị phải làm theo kiểu “cò con”. Đi mua nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm anh chị chỉ có chiếc xe đạp. Hàng nặng, đạp mỏi nhừ cả chân, đưa đến các đại lý, năn nỉ nhờ mua giùm. Thấy thế, các chủ hiệu buôn lại ép, bảo rằng: “Ký gửi đó vài tháng sau thì giá cao hơn, còn lấy tiền liền phải chịu giá thấp”. Chị Thảo bùi ngùi nói: Họ biết mình nghèo, họ bắt chẹt! Mình làm gì có vốn mà ký gửi được, nên dù biết thấp giá rất nhiều cũng buộc phải chấp nhận để có tiền mua lại nguyên liệu sản xuất tiếp, lấy công làm lãi. Anh chị làm việc vất vả cũng chỉ lo cho 6 đứa con ăn học.

Như thấu hiểu nỗi gian truân của bố mẹ, cả 6 người con của anh Hội chị Thảo đều miệt mài thức khuya dậy sớm, vừa cố gắng học tập, vừa chăm chỉ phụ giúp gia đình. Hai người con lớn Đoàn Đại Dương và Đoàn Đại Biểu, ngoài giờ học cũng tranh thủ vào lò quai búa giúp mẹ. Vậy mà, anh năm trước, em năm sau, nối nhau thi đỗ đại học ngay từ lần thi đầu tiên. Đến năm 1999, người con thứ ba Đoàn Đại Thắng lại thi đỗ cả hai trường (Đại học Bách khoa và Đại học Kinh tế Đà Nẵng). Thắng vừa đi học, vừa làm gia sư, tự trang trải một phần chi phí học tập và tận tình kèm cặp hướng dẫn cho 3 đứa em trong các môn học. Năm 2001 và 2002, Đoàn Đại Lợi và Đoàn Thành Nam cũng lần lượt bước vào cổng trường đại học. Lợi học ngành an ninh, rất giỏi vi tính, ra trường được phân công về công tác ở Phòng Cơ yếu Công an thành phố Đà Nẵng. Còn Nam vừa học vừa làm gia sư cùng lúc ba môn toán, lý, hóa và đã tốt nghiệp loại khá tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Cô con gái út Đoàn Thị Kim Thanh hiện là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế Trung ương II.

Năm người con đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, vợ chồng anh Hội không còn vất vả như trước, nhưng vẫn miệt mài gắn bó với nghề rèn. Giờ đây, anh đã có xe máy, nhà xây và tạo được các đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định. Có điều kiện, anh lại hăng hái tham gia công tác xã hội như tổ trưởng, chi hội phó CCB, trưởng ban bảo vệ dân phố. Nhiệm vụ nào anh cũng năng nổ, xông xáo, nêu cao trách nhiệm với bà con và được mọi người quý mến.

Cũng chồng rèn vợ đập như ngày nào, nhưng bây giờ tay búa của họ có vẻ nhẹ nhõm hơn và trong lòng thì chan chứa sự hân hoan, mãn nguyện. Năm con trai, bốn người đã trở thành kỹ sư, một người là sĩ quan công an, đó là niềm vinh hạnh lớn lao của anh Hội, chị Thảo sau bao năm nhọc nhằn vất vả. Giờ đây, vợ chồng người CCB này lại tiếp tục động viên, tạo điều kiện cho cô con gái phấn đấu học liên thông lên đại học.

Bài và ảnh LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.