.
10 NĂM THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC

Bước đầu hìn­h thành được xã hội học tập

.

Qua 10 năm triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đã có nhiều chuyển biến quan trọng, thực hiện tốt mục tiêu toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Nhờ chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường mầm non tư thục thành lập ngày càng nhiều, góp phần giảm quá tải ở các trường công lập hiện nay. (TRONG ẢNH: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục Hoa Thiên Lý ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.) Ảnh: NGỌC ĐOAN

Để triển khai và đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở thành phố và các địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp trên 200 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, phương tiện học tập, lập quỹ học bổng góp phần đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong nhân dân, bước đầu đã hình thành được xã hội học tập; tạo điều kiện cho nhiều đối tượng, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tàn tật, khuyết tật, học sinh giỏi được học tập.

Trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các loại hình trường lớp được đa dạng hóa. Các trường ngoài công lập phát triển, tạo điều kiện phát triển quy mô giáo dục một cách hợp lý, giảm bớt sức ép đối với các trường công lập, góp phần quan trọng để điều chỉnh mối quan hệ giữa quy mô và điều kiện bảo đảm chất lượng, tạo thêm cơ hội học tập cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, thành phố có 411 trường học, cơ sở giáo dục, trong đó trường ngoài công lập chiếm 29,5%; cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm 42,0%. Trường mầm non ngoài công lập chiếm 63%, tăng 18%; THPT chiếm 36,8%, tăng 21% và trung học chuyên nghiệp chiếm 87%, tăng 65% so với năm học 1996-1997. 

Tỷ lệ học sinh ngoài công lập hiện nay, nhà trẻ 76%, tăng 21%;  mẫu giáo 52%, tăng 24%; THPT 34%, tăng 27% và THCN 80% tăng 75% so với năm học 1996-1997. (Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 của Chính phủ định hướng chỉ tiêu đến năm 2010 tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 80%, mẫu giáo 70%, trung học phổ thông 40%, trung học chuyên nghiệp 30%).

Thành phố đã chuyển đổi loại hình trường bán công sang loại hình trường công lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính cho phù hợp với sự phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn mới như Trường THPT Trần Phú, Nguyễn Hiền, Ngô Quyền và 15 trường mầm non.

  Bên cạnh đó, việc chăm lo cho các trường miền núi, vùng khó khăn và các trường chuyên biệt được tăng cường như chế độ phụ cấp và trợ cấp đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh nghèo; trao học bổng, tặng sách vở, tài liệu, dụng cụ học tập, áo quần, xe đạp, miễn, giảm học phí…

Ở các xã miền núi, xã có học sinh người dân tộc, đã chuyển 5 trường mầm non dân lập thuộc 5 xã  Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Sơn và Hòa Ninh sang trường mầm non công lập, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, khang trang cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc các xã miền núi và Trường THPT Phạm Phú Thứ, tạo điều kiện chỗ ăn, ở, sinh hoạt và hoạt động nội trú cho học sinh người dân tộc.

 Hội Khuyến học được hình thành từ thành phố đến tất cả các quận, huyện, xã, phường và 12 đơn vị trực thuộc với 2.230 hội cơ sở bao gồm khu dân cư, dòng họ, trường học, cơ quan, đơn vị kinh doanh, nhà chùa, xứ đạo với 88.320 hội viên. Từ năm 2002 đến 2007, Hội Khuyến học thành phố đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng để khen thưởng, trao học bổng và trợ cấp cho giáo viên, học sinh gặp khó khăn như giải thưởng khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng, học bổng cho học sinh nghèo mồ côi, học sinh nghèo hiếu học…

Thành phố hiện có 56 Trung tâm học tập cộng đồng, mỗi trung tâm được ngân sách hỗ trợ 20 triệu đồng/năm. Hoạt động của các trung tâm bước đầu đã tạo cơ hội học tập, bồi dưỡng kiến thức cho mọi tầng lớp nhân dân ở tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố.   
  
Như vậy, sau 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục phát triển và có những chuyển biến vượt bậc. Bước đầu đã tạo ra phong trào học tập sâu rộng trong toàn xã hội; công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức và huy động sức mạnh của toàn xã hội, sự đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong việc chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện hỗ trợ vật chất, tinh thần giúp đỡ cho học sinh, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tàn tật, khuyết tật được đến trường, góp phần tạo sự công bằng xã hội về giáo dục.

Trong những năm đến, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) nhằm quán triệt sâu sắc quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn xã hội; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Giáo dục các cấp, thực hiện tốt chủ trương xã hội học tập và huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục là những nhiệm vụ quan trọng, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả thiết thực.

PHẠM PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.