.

Con muốn đến trường muộn hơn!

.

Đó là mong muốn của đa số các em học sinh tiểu học. Bởi hằng ngày, phải thức dậy sớm để chuẩn bị đến trường là nỗi khổ đối với các em cũng như phụ huynh.

Gọi con như... gọi đò! 

Được đến trường muộn là niềm mong ước của đa số học sinh tiểu học và phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Hằng, làm nghề buôn bán ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) có cậu con trai học ở Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên than thở: “Hai vợ chồng phải thức dậy từ 4 giờ 30 hằng ngày để chuẩn bị việc nhà và sửa soạn áo quần, sách vở, thức ăn sáng... cho con đến trường. Vậy mà, có hôm gọi “rát cả họng” cháu cũng không chịu thức dậy, vì đang mê ngủ”.

Nói về việc học tập của con cái, hai vợ chồng chị Đoàn Thị Phượng ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cũng than thở: Sáng nào cũng vậy, chồng thì chở con trai đến Trường THCS Ngô Thì Nhậm để học, vợ thì lục tục lo lắng cho con gái đến Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng khổ nhất là chuyện đến trường của cô con gái.
 
Từ lúc 5 giờ 15, chị đã phải gọi cháu dậy chuẩn bị áo quần, sách vở, ăn uống, để 6 giờ 45 đến trường. Trẻ con ham ngủ, nên đâu phải lúc nào gọi cháu cũng thức dậy ngay. Có khi, gọi thức dậy rồi, cháu lại bảo: Mẹ cho con ngủ tí nữa đi. Những lúc như thế, chị Phượng chỉ mong nhà trường cho học sinh vào lớp muộn hơn thì hay biết mấy.

Vào lớp muộn vẫn không sao

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức cho các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày, tính đến cuối năm học 2007-2008, toàn thành phố Đà Nẵng có 74/100 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh các khối lớp. Nếu trước đây, nội dung chương trình, thời lượng học tập của học sinh tiểu học chỉ gói gọn trong một buổi học, thì nay ở buổi học thứ 2, học sinh được thầy cô giáo hướng dẫn giải bài tập trong chương trình buổi học thứ nhất, học nâng cao kiến thức của một số môn học, nhằm giảm bớt gánh nặng học tập của các em khi về nhà.

Thầy Lê Văn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng cho biết, theo phân phối chương trình 2 buổi/ngày, buổi sáng học sinh vào lớp lúc 6 giờ 45, ra về lúc 10 giờ 30 và buổi chiều vào lớp lúc 14 giờ, ra về lúc 16 giờ 30. Nếu muốn cho học sinh vào lớp muộn hơn thì vẫn được, ngược lại các em sẽ ra về muộn hơn.
 
Chẳng hạn, 7 giờ vào lớp thì 11 giờ ra về và 14 giờ 30 vào lớp thì 17 giờ về. Việc thay đổi thời gian học của học sinh không ảnh hưởng đến nội dung chương trình học. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì phải có sự đồng thuận của phụ huynh cũng như sự cho phép của cấp trên. Ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, năm học 2008-2009, toàn quận có 9 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày, theo hình thức bán trú. Để tạo điều kiện cho học sinh đến trường muộn hơn so với những năm trước, Phòng chỉ đạo các trường quy định buổi sáng học sinh vào lớp

7 giờ 30, 10 giờ 30 nghỉ học, để các em ăn uống, ngủ trưa và buổi chiều 14 giờ vào học, 16 giờ 30 ra về. Cũng theo ông Nguyễn Lâm, lịch học này là hợp lý với nội dung chương trình học của học sinh, đồng thời tạo thuận lợi cho phụ huynh.

Như vậy, có thể nói rằng, việc cho học sinh đến trường muộn hơn so với hiện nay đối với các trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày vẫn thực hiện được và không ảnh hưởng gì đến thời lượng, nội dung chương trình.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao không có quy định áp dụng đại trà cho học sinh các trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày đến lớp muộn hơn hiện nay, thì bà Trịnh Thị Phương Hiền, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, việc này là do các Phòng Giáo dục-Đào tạo quận, huyện quy định. Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của các trường tiểu học còn nhiều hạn chế, nên không thể áp dụng đại trà được. Nếu thành phố đầu tư cơ sở vật chất được tốt, thì việc quy định cho học sinh đến trường muộn hơn sẽ áp dụng đại trà được.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.