.

Cõng chữ lên núi

.

Hằng ngày, từ phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), cô Nghiêm Thị Bông, giáo viên Trường tiểu học xã Hòa Bắc, ra đi từ 6 giờ sáng, thế mà hơn 7 giờ mới đến thôn Tà Lang, nơi cô đứng lớp. Chiếm nhiều thời gian nhất là quãng đường gần cây số từ thôn Giàn Bí sang trường học.

Các cô giáo Trường tiểu học Tà Lang vượt suối đến trường học.

Mùa này nước lớn, sông Nam cắt qua địa phận 2 thôn, không ai lội qua được, phải ngồi trên bè kết bằng 2 săm ô-tô bơm căng do người phụ nữ luống tuổi trầm mình dưới nước kéo. Bữa đầu tiên cô không dám ngồi lên chiếc bè chông chênh ấy, nhưng rồi, giờ vào lớp đã đến, học sinh chờ, cô liều ngồi lên và qua sông an toàn. Lâu dần thành quen.

Sáng từ nhà lên, gửi xe gắn máy ở Đội Lâm sinh của Ban quản lý rừng phòng hộ, cuốc bộ xuống suối, cô vượt sông đến với học trò của mình. 16 giờ 30 từ trường cuốc bộ ra suối, ngồi lên bè qua sông về nhà. Cô cho hay: Có hôm về đến Hòa Hiệp Nam trời đã tối mịt. Không ít lần xe hỏng, dắt bộ mấy cây số mới có chỗ sửa. Tính ra mỗi ngày cả đi về hết 20 nghìn đồng tiền xăng, 5-10 nghìn tiền qua sông. Nói về lương tháng, cô tính, kể cả  tiền khu vực mới được 1,7 triệu đồng. Tiền xăng, tiền đò hết gần nửa.

Ở Trường tiểu học Tà Lang có 4 cô và 1 thầy giáo đều chung cảnh ngược núi qua sông mỗi sáng. Cô Trần Thị Thủy, dạy lớp 1/4, quê ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên (Hòa Vang) tâm sự: Đưa cái chữ lên cho con em bà con Cơtu mỗi ngày phải 2 lần vượt sông trên chiếc bè chông chênh. Người yếu bóng vía không dám ngồi lên cái bè ấy... Nhìn cảnh các cô vượt suối cõng chữ lên núi, nhiều người ái ngại thay cho họ. Chẳng may, ra giữa dòng, săm ô-tô bị thủng, hoặc người kéo vấp ngã, chắc chắn người ngồi trên bè sẽ rơi xuống và bị dòng nước cuốn đi. Đó là chưa nói lúc mưa lũ, nước chảy xiết, qua lại trên 2 chiếc săm ô-tô bơm căng như vậy thật vô cùng nguy hiểm.

Tại một lớp học của con em bà con Cơtu.
Thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), nơi có 70 hộ người Cơtu, 10 hộ người Kinh sinh sống, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 40 cây số. Từ dưới xuôi lên đến thôn này gian nan nhất là đoạn qua sông Nam. Cả thôn hiện có 52 cháu đang theo học ở một lớp mẫu giáo và 4 lớp tiểu học. Nói về cơ sở vật chất, phòng ốc, trường này thuộc diện khang trang. Mỗi thầy, cô giáo chỉ dạy cho 10-12 em. Nhận thức học sinh vùng sâu, vùng xa hạn chế, nhiều hôm cô giáo phải đến nhà vận động các cháu đến lớp. Mỗi ngày dạy 2 buổi. Thầy cô nào cũng tận tụy với học trò của mình.

Thầy Hồ Phú Quang, có gần 20 năm dạy ở trường này cho hay: Các cô đi về vừa vất vả, tốn kém, lại qua sông rất nguy hiểm. Đang tính sắp tới, giáo viên ở nội trú tại trường. Song kẹt nỗi, nhà ở của giáo viên đang trống không, ngoài 2 giường gỗ cũ, không có trang bị nào khác. Mà ở lại thì cần nhiều thứ cho đời sống sinh hoạt như trang bị nhà bếp, tủ đựng tư trang, tài liệu, cả ti-vi nữa để xem cho đỡ buồn…

Đưa chữ lên cho con em đồng bào Cơtu ở Tà Lang quả lắm gian nan. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và ngành Giáo dục thành phố cần có sự hỗ trợ xứng đáng đối với những giáo viên vùng sâu, vùng xa này. Trước mắt, sớm trang bị dụng cụ cần thiết cho nhà ở giáo viên để các thầy, cô giáo ở lại trường, hạn chế đi về, vừa tiết kiệm vừa an toàn.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.