.

Đầu năm học, nói về truyền thống tôn sư trọng đạo

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đẹp của dân tộc Việt Nam. Ngay dưới các triều đại phong kiến, vấn đề đạo nghĩa thầy-trò luôn được các bậc đế vương coi trọng. Đặc biệt, dưới triều Lê, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), vấn đề Tôn sư trọng đạo đã được vị minh quân này cho soạn thảo thành văn bản, đạo luật hẳn hoi.

Điều 90, Bộ Luật Hồng Đức quy định: “Làm thầy và học trò phải đều hết đạo. Thầy thì trước phải ngay mình để làm gương mẫu cho học trò. Học trò thì phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường thực học, lấy đức hạnh làm gốc, không được khinh nhờn thầy, bỏ mất lễ phép, ai trái lệnh sẽ bị tội tám mươi trượng”.
 
Cũng trong Bộ Luật này, những vấn đề chung quanh đạo lý thầy trò đều được quy định cụ thể. Với các bậc làm cha làm mẹ thì “phải răn con em về đạo thờ thầy học, khi gặp thầy học phải kính cẩn, có lễ phép, không được ai trái lệnh, nếu không sẽ khép vào tội “bất kính” (điều 95). “Các học trò trước đã nhập môn theo học nghiệp, sau lại quên ơn nghĩa, khinh nhờn thầy, thì sẽ phạt suốt đời không được dự thi, không được làm quan lại và không được giữ nghề nghiệp.
 
Nếu biết lỗi mà từ tạ làm đẹp lòng thầy thì cũng tha cho. Kẻ nào khinh nhờn thầy, sẽ bị phạt cổ tiền năm mươi quan. Đánh chửi thầy thì tiền tạ lại tăng lên mười lăm quan và bị trượng tám chục…” (điều 119). Bộ Luật Hồng Đức cũng coi trọng mối liên hệ mật thiết giữa gia đình thầy và trò như thân thuộc, và quy định: “Học trò mà đánh và lăng mạ thầy học thì phải chịu tội nặng hơn lăng mạ người thường ba bậc. Cha mẹ, vợ con của các học trò đánh chửi thầy học, sẽ bị tội trượng tám mươi, tiền tạ mười quan…” (điều 25 Q. 120).

Ngày nay, tuy nơi này nơi khác đã và đang xảy ra những điều đáng tiếc làm tổn thương đến đạo nghĩa thầy-trò và truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Thế nhưng, đại đa số nhân dân ta, đại đa số những người thầy, người cô trên mặt trận giáo dục vẫn luôn luôn có ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống Tôn sư trọng đạo tốt đẹp muôn đời. Trong cuộc sống hằng ngày, nhân dân vẫn luôn truyền tụng câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Còn đội ngũ những người làm công tác giáo dục thì luôn có tinh thần vượt khó, không ngừng học tập, tu dưỡng, trau dồi năng lực sư phạm, thiết tha yêu nghề, yêu trẻ, có ý thức gìn giữ cái tính “khuôn vàng thước ngọc” của nghề mình. Bên cạnh, Đảng và Nhà nước ta vẫn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò to lớn của đội ngũ thầy cô giáo trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, truyền thống này cũng phải nâng lên, cải biên để thích hợp với xã hội mới.

Như đã đề cập, ngày xưa nói đến tôn sư trọng đạo là thầy nói sao học trò nghe vậy, không được có ý kiến ngược chiều. Còn nay phải có cái nhìn khác, không chỉ có chuyện thầy nói sao trò nghe vậy, mà có khi trò làm khác với ý thầy. Miễn rằng, những điều học trò làm là đúng. Có như vậy, chúng ta mới khuyến khích được sự chủ động, mới phát huy được hết khả năng sáng tạo của học sinh. Theo ý kiến của Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai, trong thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải chú trọng hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình học sinh.
 
Các gia đình không thể khoán trắng sự nghiệp giáo dục con em mình cho nhà trường. Một nét khác không thể không tính đến, đó là quá trình dạy thêm và học thêm trong nhà trường. Đây là vấn đề lớn trong giáo dục hiện nay và đã được đem ra mổ xẻ nhiều trước công luận… Nhưng nói cho hết nhẽ thì, muốn giải quyết triệt để việc dạy thêm, học thêm, theo Giáo sư Hoàng Như Mai, chúng ta cần giải quyết hai vấn đề chính: Một là, phải rút bớt chương trình học trong sách giáo khoa: ôm đồm quá, nặng nề quá, kinh điển quá. Hai là, phải tiếp tục tăng lương cho thầy cô giáo. Hiện tại, lương của thầy cô giáo chưa đủ nuôi sống họ, chứ chưa nói đến chuyện phải nuôi thêm cha mẹ, con cái, mua đất, cất nhà để có nơi ăn, chốn ở ổn định.

Mặc dù vậy, để giữ gìn và mãi mãi tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, nhiều thế hệ nhà giáo đã và đang ra sức thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản! Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

NGUYỄN THỊ Ý

;
.
.
.
.
.