.
HÒA VANG

Hàng trăm học sinh không có chỗ học!

.

Năm học 2008-2009 đã trôi qua gần nửa tháng, công tác dạy và học ở các trường phổ thông trên địa bàn thành phố đã dần đi vào ổn định, nền nếp. Tuy nhiên, tại huyện Hòa Vang, hàng trăm học sinh vẫn phải chịu cảnh học nhờ, học “ké” ở các trường học, hội trường thôn!.

Do không có phòng học nên học sinh ở cụm lẻ thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn chỉ học 1 buổi/ngày.

Ngoài điểm trường chính đóng tại thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Sơn, Trường mầm non công lập Hòa Sơn còn tổ chức dạy học cho học sinh mầm non ở cụm lẻ thuộc các thôn Hòa Khê, Phú Thượng, Đại La, Xuân Phú, An Ngãi Đông, Tùng Sơn. Năm học 2008-2009, cụm lẻ thôn Xuân Phú có 2 lớp, với 56 học sinh, trong khi đó, phòng học nơi đây chật chội nên bị quá tải.
 
Để giải quyết tình trạng quá tải học sinh, từ ngày 25-8, Ban giám hiệu Trường mầm non công lập Hòa Sơn tổ chức cho mỗi lớp chỉ học 1 buổi/ngày. Buổi còn lại, học sinh ở nhà chơi. Tình trạng trên khiến nhiều phụ huynh bức xúc: Chúng tôi đi làm suốt ngày, vậy mà hằng ngày những người trong gia đình còn phải thay phiên nhau giữ con cháu. Trao đổi với chúng tôi ngày 28-8, bà Trương Thị Phượng, Hiệu phó Trường mầm non công lập Hòa Sơn cho biết, nhà trường đang tính phương án tiếp tục tổ chức cho học sinh mỗi lớp học 1 buổi/ngày hoặc mượn phòng học của Trường tiểu học số 1 Hòa Sơn để các em học tạm.

Cách cụm lẻ thôn Xuân Phú hơn cây số, suốt mấy năm qua, 51 học sinh cụm lẻ thôn Đại La chịu cảnh học chung với học sinh Trường tiểu học số 2 Hòa Sơn. Lý do, phòng học được xây dựng ngay trong khuôn viên của Trường tiểu học số 2 Hòa Sơn. Cứ vậy, hễ lớp này học thì lớp kia ra chơi, học sinh chạy lung tung trong sân trường, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động dạy và học. Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “trường học 2 trong 1” này là do phòng học mẫu giáo thôn Đại La xây dựng trước, Trường tiểu học số 2 Hòa Sơn xây dựng sau nhưng cùng nằm trong một khuôn viên.

Sau cơn bão Xangsane năm 2006, điểm trường Hội Phước thuộc Trường tiểu học Hòa Phú bị bay toàn bộ mái tôn và la-phông, tường bị xuống cấp, nứt nhiều chỗ. Đầu năm 2007, một tổ chức nước ngoài về thăm xã Hòa Phú thấy vậy, đã đề nghị được tài trợ cho địa phương xây mới điểm trường Hội Phước, với số tiền 239 nghìn USD. Tháng 12-2007, toàn bộ phòng học điểm Trường tiểu học Hội Phước được đập bỏ để bàn giao mặt bằng xây dựng. Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng. Nhưng cho đến nay, công trình vẫn chưa khởi công và chỉ là một bãi đất trống!

Trong học kỳ 2 năm học 2007-2008, 5 lớp ở điểm trường Hội Phước, với 150 học sinh phải về Trường tiểu học Hòa Phú để học, cách điểm trường cũ gần 5km. Nhiều em ở khu vực Dâu tằm, hằng ngày đến trường phải vượt quãng đường đồi núi xa 8 km. Một phụ huynh kể: “Từ khi chuyển ra trường chính học, các cháu đi học phải xách theo cà mèn cơm để ăn buổi trưa.
 
Mùa đông, thức ăn nguội lạnh, mùa hè lại chóng ôi thiu, nhìn nhếch nhác cũng tội nghiệp”. Được biết, do điều kiện học tập không thuận lợi, trong năm học 2007-2008, có gần 10 học sinh nghỉ học, nhà trường phải vận động các em trở lại lớp. Để có chỗ cho học sinh học trong năm học 2008-2009, Ban giám hiệu Trường tiểu học Hòa Phú đã mượn nhà họp thôn, phòng học mẫu giáo, Trường THCS Ông Ích Đường để “gửi” khoảng 150 học sinh học tạm.

Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, theo kế hoạch, tháng 8-2008, điểm trường tiểu học Hội Phước khởi công xây dựng, nhưng không biết vì lý do gì, đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh. Ông Lê Văn Phước, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang cũng trả lời là không biết khi nào điểm trường này được xây dựng. Cảnh học nhờ, học “ké” này của hàng trăm học sinh ở huyện Hòa Vang không biết sẽ còn kéo dài đến bao lâu nữa?

Bài và ảnh: ĐOAN CHI

;
.
.
.
.
.