Năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục-Đào tạo chủ trương đẩy mạnh “Ứng dụng công nghệ thông tin” trong toàn ngành để nâng cao hiệu quả quản lý và dạy-học. Thế nhưng, tại thành phố Đà Nẵng hiện nay, mạng lưới công nghệ thông tin ở các trường học đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu.
Học sinh không đủ máy thực hành
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi hướng dẫn học sinh thực hành môn Tin học. (Ảnh minh họa) |
Ông Lê Anh Đồng, Hiệu phó Trường THCS Phạm Ngọc Thạch cho biết: Nhà trường hiện có 235 học sinh lớp 6 học môn Tin học, nhưng phòng thực hành chỉ có 14 máy vi tính (trong đó, 4 máy đã xuống cấp, sử dụng không tốt), không đủ máy cho các em sử dụng. Do vậy, vào giờ học thực hành, cứ mỗi một chiếc máy tính có từ 3 đến 4 học sinh sử dụng. Đây cũng là khó khăn lớn đối với nhà trường trong những năm qua. Ông Vũ Bá Bảo, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà cho biết, theo quy định, mỗi trường học phải có ít nhất 20 máy tính trở lên mới đáp ứng được yêu cầu tối thiểu dạy bộ môn Tin học.
Tương tự, các tường THCS ở quận Thanh Khê cũng bị thiếu máy tính phục vụ cho việc giảng dạy bộ môn Tin học. Ông Vĩ Sách, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Thanh Khê cho biết, vì nguồn kinh phí đầu tư mua thiết bị, máy móc quá lớn, nên phòng không đủ điều kiện trang bị máy vi tính cho các trường.
Sử dụng máy “4 trong 1”
Không chỉ máy móc phục vụ dạy và học bộ môn Tin học bị thiếu, mà hệ thống máy vi tính phục vụ cho công tác quản lý ở các trường học cũng trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Ông Lê Anh Đồng, Hiệu phó Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà) cho biết, suốt mấy năm qua, các bộ phận chức năng của trường, gồm: Văn thư, thư viện, Đoàn-Đội và thiết bị chỉ sử dụng chung một chiếc máy vi tính, kiểu “4 trong 1”.
Hễ bộ phận này làm việc, thì bộ phận khác phải… chờ. Ông Lại Tấn Nghị, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) còn kể: Đến nay, nhà trường vẫn chưa thể dạy môn Tin học cho học sinh, vì không có phòng học và máy vi tính. Mặc dù các em học sinh rất thích học bộ môn này. Toàn trường hiện có 6 máy vi tính phục vụ công tác quản lý, trong khi đó, để đáp ứng tốt nhu cầu giải quyết công việc thì trường cần phải có thêm 10 máy vi tính nữa.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở Giáo dục-Đào tạo nhận xét: Mạng lưới Công nghệ thông tin ở cấp THCS chưa đáp ứng đầy đủ so với yêu cầu quản lý và dạy học tại các trường trong giai đoạn hiện nay. Do đó, các quận, huyện cần quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc để các trường nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dạy - học.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN