.

Kiên quyết chống tình trạng để học sinh “không đạt chuẩn” lên lớp

.

Năm học 2007-2008, ngành giáo dục-đào tạo thành phố Đà Nẵng đạt nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ học sinh THPT đỗ tốt nghiệp đạt 83,2%; chất lượng giáo dục các bậc học cũng tăng lên đáng kể so với những năm trước.

Đầu năm học mới 2008-2009, P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH VĂN HOA (ảnh), Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố về những giải pháp, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo trong năm học này.

* P.V: Xin ông cho biết, sự phân hóa về chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng hiện nay?

- Ông Huỳnh Văn Hoa (H.V.H): Nhìn chung, tỷ lệ học sinh giỏi đại trà vẫn còn thấp so với các thành phố lớn khác trong cả nước. Nguyên nhân, do sự phân hóa về kinh tế-xã hội giữa các vùng, nên chất lượng giáo dục có sự phân hóa, chênh lệch, nhất là ở các trường ngoài công lập và trường ở địa bàn khó khăn.

  Để giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường này, trong năm học 2008-2009 và những năm đến, ngành tập trung xây dựng, phát triển mạnh mạng lưới trường chuẩn quốc gia, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng giáo dục của những trường có điều kiện khó khăn.

* P.V: Từ thực trạng trên, ngành giáo dục-đào tạo đề ra những giải pháp gì để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học này?

- Ông H.V.H: Có thể nói rằng, chất lượng giáo dục các cấp học năm qua có cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ học sinh có học lực dưới trung bình còn cao, nhất là các trường ngoài công lập, các trường ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng ven, các trường có học sinh mà chất lượng đầu vào thấp.


Để nâng cao chất lượng đại trà, tỷ lệ thi tốt nghiệp và tuyển sinh, Sở Giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo các trường ngay từ đầu năm học tổ chức khảo sát, phân loại học sinh. Từ đó, lập kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu kém, kiên quyết chống tình trạng để học sinh “không đạt chuẩn” lên lớp. Mặt khác, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, sinh hoạt chuyên môn để đề ra phương pháp dạy học mang lại hiệu quả đối với đối tượng học sinh này.

Trong năm học, các đơn vị, trường học tổ chức hội thảo nhằm rút ra những giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh lên lớp, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Với học sinh cuối cấp, nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập các môn thi tốt nghiệp sát với chương trình, nội dung của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Ngoài ra, Sở Giáo dục-Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên để triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Trong thời gian đến, ngành sẽ tiếp tục triển khai thí điểm mô hình trường học điện tử...

* P.V: Những khó khăn lớn nhất mà ngành gặp phải trong năm học này?

- Ông H.V.H: Trước yêu cầu ngày càng cao của giáo dục-đào tạo thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngành giáo dục-đào tạo đang gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Đó là, hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, công nghệ thông tin trong nhà trường chưa đồng bộ và hiện đại.
 
Ngân sách dành cho giáo dục-đào tạo tuy lớn, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh mẽ. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa đồng đều; một bộ phận giáo viên đời sống còn khó khăn. Thêm vào đó, diễn biến giá cả thị trường cũng ảnh hưởng đến mỗi gia đình người dạy cũng như người học. Các điều kiện kinh tế-xã hội ở các vùng miền còn có sự chênh lệch lớn, nên những trường ở miền núi, vùng ven gặp nhiều khó khăn hơn.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

NGỌC ĐOAN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.