Hơn 20 năm trước, hệ mầm non (MN) được gọi là đơn vị sự nghiệp và phúc lợi, vừa nuôi dạy trẻ vừa tạo điều kiện cho các bà mẹ có thể gửi con để tham gia công việc ngoài xã hội. Hiện nay, hệ MN đã được rút lại thành đơn vị sự nghiệp, vấn đề phúc lợi không còn được quan tâm như trước. Các bà mẹ trẻ sau 4 tháng nghỉ sinh phải bươn bả đi tìm nơi gửi trẻ. “Con thương ơi/ con quý ơi/ mẹ địu con đi nhà gửi trẻ” câu hát ấy như lùi xa tít tắp.
Việc Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 7-4-2008 quy định các trường MN, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ... thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi đã làm cho nhiều người băn khoăn: Liệu quyết định này đã thực sự khả thi khi mà cơ sở vật chất, con người ở lĩnh vực này quá thiếu thốn và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Chưa thật sự sẵn sàng
Chế độ ăn uống phù hợp sẽ bảo đảm cho cơ thể trẻ phát triển đầy đủ. |
Bà Hồ Thị Diệu An, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Anh Đào, KDC Tuyên Sơn, Hòa Cường Bắc băn khoăn: Trẻ em trong độ tuổi này còn bú sữa mẹ, nhưng khi đến trường các em cần làm quen với chế độ ăn dặm, nên việc chăm sóc cần có khoa học và cô giáo phải là người có kinh nghiệm giữ trẻ lâu năm. Ngoài ra, trẻ ở lứa tuổi này rất dễ bị tiêu chảy, ngộ độc khi tiếp xúc với những thức ăn ngoài sữa mẹ... Cơ sở vật chất chưa bảo đảm, thiếu cán bộ y tế... Đây là khó khăn chung nên phần lớn các trường chưa thể mở lớp nhận trẻ ở độ tuổi này. Từ khi có quyết định, nhà trường chỉ mới nhận được lời đề nghị của 1 phụ huynh muốn gửi con tại trường. Điều này cũng cho thấy, các bà mẹ vẫn chưa sẵn sàng để gửi con mình khi cháu mới 3 tháng tuổi.
Mặc dù quyết định được đưa ra ngày 7-4 nhưng đến nay ở Đà Nẵng vẫn chưa có trường mẫu giáo nào mở lớp nhận trẻ 3 tháng tuổi, dù nhu cầu gửi trẻ từ phía phụ huynh là rất cao. Vợ chồng chị Nguyễn Thu Thủy, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu đều là cán bộ, công chức nên sau khi hết thời gian nghỉ sinh, chị đi hầu hết các điểm gửi trẻ nhưng vẫn chưa tìm được chỗ nào để gửi con. Chị tâm sự: “Các trường đều từ chối với lý do không đủ số lượng trẻ đăng ký để mở lớp, chưa sắp xếp được phòng học...”.
Theo điều lệ mới ở trường MN, mỗi lớp cho lứa tuổi từ 3 đến 12 tháng tối đa 15 cháu. Theo đó, 20 cháu ở lớp 1-2 tuổi, 25 cháu ở lớp 2-3 tuổi. Ở lứa tuổi mẫu giáo, tối đa trong một lớp là 25 đến 35 cháu tùy theo độ tuổi. Nếu không đủ 50% so với số lượng lớp, nhà trường có thể tổ chức thành các lớp ghép. Một giáo viên đang công tác tại Trường MN Hoa Hồng, 23/8 Núi Thành cho biết, nếu ghép lớp thì việc chăm sóc rất khó khăn vì ở mỗi độ tuổi, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng như không gian, ánh sáng của các bé khác nhau. Nhất là với trẻ 3 tháng tuổi, việc ghép lớp là không thể. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc quản lý, theo dõi sự phát triển của các bé.
Những khó khăn không dễ tháo gỡ
Với vợ chồng trẻ, gửi cháu cho bà chăm sóc luôn là sự lựa chọn đầu tiên. |
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương II tại Nha Trang nhưng chị Võ Thị Xanh (hiện công tác tại Trường mẫu giáo Trúc Đào, phường Thạch Thang) cho biết, trong suốt 3 năm học chị không được hướng dẫn về kỹ năng chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi. Khi về các trường thực tập, chị cũng không thấy trường nào có trẻ nhỏ dưới 1 năm tuổi nên người học không mấy chú ý đến giai đoạn này. Chưa kể đến việc ẵm một đứa trẻ 3 tháng tuổi với một người không có kinh nghiệm cũng là khó khăn. Việc các bà mẹ thường gửi con vài tháng tuổi ở các nhóm trẻ gia đình cũng tạo tâm lý xem độ tuổi này không thuộc về vấn đề chăm sóc của các trường MN?
Để khắc phục tình trạng một số nhóm trẻ gia đình hiện nay ít chú ý đến cơ sở vật chất, ánh sáng, nhiệt độ cũng như kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ, vừa qua, Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Hải Châu đã mở lớp bồi dưỡng cho các cô giáo thuộc các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn quận; mời một số giảng viên có kinh nghiệm của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng về giảng dạy. Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ được cấp chứng chỉ. Có thể thấy đây là một động thái tích cực, cần nhân rộng.
Nói về chương trình đào tạo bậc học MN, theo cô Lê Thị Tấn, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học-mầm non ĐH Sư phạm thì sinh viên vẫn được tiếp cận những thông tin về kỹ năng chăm sóc trẻ từ 0 tháng tuổi. Trên thực tế, các trường hầu như không có trẻ ở độ tuổi này nên tâm lý của cả cô và trò ít chú ý đến. Sinh viên đến các trường mẫu giáo xin thực hành chủ yếu là quan sát và giúp các cô là chính. Đòi hỏi kinh nghiệm ở các em mới ra trường về chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi là không thể, cả cô và trò phải chuẩn bị tâm lý là mình sẽ đảm trách việc chăm sóc trẻ ở độ tuổi này ở các trường sau khi tốt nghiệp. Đây không còn là chương trình học đơn thuần mà còn là vấn đề tâm lý của người học.
Như vậy, để Quyết định số 14 có thể thực hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngoài sự cố gắng của nhà trường, sự nỗ lực của các cô giáo nuôi dạy trẻ, còn là trách nhiệm của cả cộng đồng và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Thực tế này không dễ tháo gỡ, các trường MN cần được sự giúp đỡ tích cực về cơ sở vật chất, đào tạo con người để đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay.
TIỂU YẾN