.
Mặc quần tây - áo sơ mi

“Khỏe re" tới trường!

.

Sau lễ khai giảng năm học 2008-2009, các trường THPT ở Đà Nẵng sẽ áp dụng quy định mới: Nữ sinh chỉ mặc áo dài đến trường trong các ngày thứ hai, thứ ba hằng tuần và ngày lễ. Các ngày còn lại trong tuần, học sinh mặc đồng phục quần xanh, áo trắng hoặc đồng phục riêng của mỗi trường.

Lục lại đồ cũ

Từ năm học này, trang phục áo sơ -mi, quần tây đã có thể song hành cùng chiếc áo dài truyền thống.
“Tụi em rất thích khi được biết thông tin mới mẻ đầu năm học này. Em đang lục lại đồ tây cũ. Dù may hai năm rồi nhưng mặc cũng tạm vừa. Trước mắt cứ vậy đã, ít bữa may đồ mới cũng không muộn”, em Ngô Minh Nhi, học sinh lớp 11 Trường THPT Thái Phiên nói.

Nhi “bật mí” thêm: “Các bạn gái cùng lớp hầu hết đều thấy thoải mái hơn, thích hơn và năng động hơn với bộ đồ tây. Đặc biệt, các chị lớp 12 có vẻ hớn hở lắm, vì dù sao cũng đã “thấm” áo dài hai năm liên tiếp”.

Trong khi nhiều bạn nữ háo hức với quy định mới về việc mặc đồng phục đến trường, hài lòng với việc quần tây, áo sơ-mi đã có thể song hành cùng chiếc áo dài truyền thống, các bạn nam lại có những ý kiến trái chiều.

Không ít nam sinh lớp 10 tiếc “hùi hụi”: “Lên cấp 3 mới có dịp nhìn các bạn ấy thướt tha và ra dáng người lớn trong bộ áo dài. Vậy mà...”. Song, sự đồng tình để các bạn nữ mặc đồ tây cho tiện lợi cũng chiếm con số không nhỏ. Trong lớp học mà con gái chiếm tỷ lệ áp đảo (41 nữ - 9 nam), các bạn nam lớp 10 chuyên Anh Trường THPT Phan Châu Trinh vẫn cho rằng: “Mặc đồ tây vẫn dễ thương... như con gái. Vì thế không cần buộc các bạn mặc mãi áo dài”.

Trước mắt, nữ sinh vẫn có thể mặc áo dài

Dù đã nhận được “lệnh” thay đổi đồng phục cho nữ sinh từ nhiều ngày nay, nhiều trường vẫn không vì thế mà làm khó học sinh và phụ huynh. Giải pháp mà hầu hết các trường đưa ra là: “du di” cho học sinh, có thể mặc tạm áo dài trong thời gian đầu khi điều kiện kinh tế gia đình chưa cho phép may đồ mới. Theo thầy Lê Phú Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, việc mặc đồng phục quần tây – áo sơ-mi sẽ được linh hoạt “điều động” đến đầu học kỳ 2:
 
“Nhà trường đã cố gắng giảm thu đối với học sinh trong năm học mới này, thì việc mặc đồng phục cũng sẽ được thực hiện sao cho đơn giản nhất, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh - học sinh, vừa thực hiện đúng theo quy định”.

Cùng quan điểm như trên, thầy Phạm Úc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết: “Thay đổi đồng phục không chỉ là chuyện ăn mặc mà còn là vấn đề kinh tế. Sau ngày khai giảng (5-9), chúng tôi sẽ có cuộc họp với phụ huynh học sinh để thống nhất thời điểm chính thức thực hiện quy định. Nhà trường xem đây là vấn đề tế nhị, nên cần giải quyết một cách nhẹ nhàng, từ tốn chứ không bắt buộc một cách cứng nhắc”.

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường THPT vẫn khẳng định, dù mặc đồng phục mới vào thời điểm nào thì nữ sinh vẫn phải bảo đảm ba tiêu chí: lịch sự, đẹp, kín đáo. Theo đó, quần không được may đáy xệ, ống loe hay quá bó theo “model”; áo phải được may bằng vải dày, có cổ, gài nút cao. Bất kỳ trường hợp cố tình vi phạm nào sẽ không được cho vào lớp.

 

Ở các tiệm may, học sinh vẫn chưa rôm rả may đồ
Kể từ ngày 25-8, ngày UBND thành phố có chủ trương cho nữ sinh mặc đồng phục quần tây - áo sơ-mi, thị trường vải may đồng phục đã khởi động khá nhẹ nhàng, khi lượng vải bán ra không nhiều.

Chị Thanh Tuyền, chủ sạp vải ở chợ Cồn giải thích: “Có khi học sinh tận dụng đồ cũ, với lại nhà trường cũng chưa quy định chính thức”.
 
Ở nhiều chợ, tiểu thương cũng “chưa biết chắc ngày nào áp dụng quy định mới”, nên chưa có kế hoạch nhập thêm nguồn hàng để bán. Ở các tiệm may, học sinh cũng chưa rôm rả may đồ.

Vải đồng phục ở chợ bán ra chưa nhiều.

Theo chị Hồ Thị Kim, chủ một tiệm may trên đường Trần Phú, chị mới nhận vải của 3 nữ sinh cấp 3 đến may đồng phục quần xanh – áo trắng.

Hiện vải quần terin có giá 25.000đ/m, kaki 60.000đ/m; vải áo kate silk 22.000đ/m, kate US 45.000đ/m. Giá may dao động từ 80.000 – 90.000đ/bộ. Các mức giá này được xem là ổn định từ tháng 7 đến nay, nhưng tăng khoảng 10% – 20% so với trước đó.

 

TRIÊU NHAN – THU HOA

;
.
.
.
.
.