“Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường. Em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương. Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt nhòa. Cô vỗ về an ủi. Chao ôi! Sao thiết tha”. Ngày khai giảng đã đến gần, là trẻ em dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các em đều có quyền được đến lớp, được học tập và vui chơi.
Năm học này Hậu sẽ được mẹ đưa đến trường để bước vào lớp 1 dự bị Trường Chuyên biệt Tương lai. |
Chị Nguyễn Thị Hiền ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê vừa ra chợ sắm nốt chiếc cặp sách để chuẩn bị cho cô con gái Lê Phước Hiền Hậu năm nay sẽ vào lớp dự bị 1, khối khiếm thính, Trường Chuyên biệt Tương lai quận Hải Châu. Nhìn cô bé xinh xắn vui mừng đeo chiếc cặp mới chạy nhảy khắp nhà không ai nghĩ em bị câm điếc và mới biết đi cách đây 1 năm. Chị Hiền nghẹn ngào cho biết:
“Mới sinh được mấy tháng, thấy cháu không có phản ứng với tiếng động, đem đi khám mới biết nó bị đa tật: vừa câm điếc vừa bị viêm khớp teo cơ. Đến 4 tuổi vẫn không đứng lên được, vận động rất khó khăn và đau đớn”. Năm ngoái khi tròn 5 tuổi, Hậu mới bước đi những bước đầu tiên. Không muốn con bị thiệt thòi vì bệnh tật, gia đình chị Hiền đã quyết định đưa con đến trường mẫu giáo. Nhìn thấy con không chạy nhảy được như các bạn cùng trang lứa, chị Hiền như đứt từng khúc ruột, chị tâm sự: “Nhiều lúc thấy người ta nhìn con mình với vẻ tò mò, thương hại, hai vợ chồng đau khổ lắm.
Nhưng rồi cũng phải quen để cho con nó được đến trường, được hòa nhập với bạn bè, xã hội. Con mình đã què quặt về thể chất rồi, không nên để nó tàn phế về tinh thần nữa”. Tuy không quá bất hạnh như Hiền Hậu, nhưng hoàn cảnh của em Trần Nguyễn Phước Hoàng ở quận Thanh Khê cũng đáng thương không kém. Sinh ra chỉ có một tâm thất, lại bị hẹp động mạch phổi nên năm nay dù đã 15 tuổi nhưng Phước Hoàng mới học đến lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Chị Thái, mẹ Hoàng kể: “Em nó thích đi học nên cho đi chứ sức khỏe kém lắm, đôi lúc 1 tháng chỉ học được 10-12 buổi thôi. Có hôm trời nóng quá, đang học mặt Hoàng đột nhiên tái mét, không thở được, nhà trường phải chở lên bệnh viện cấp cứu”.
Không riêng gì gia đình chị Hiền, chị Thái, nhiều gia đình có con không may bị khuyết tật, hay mắc bệnh hiểm nghèo luôn chạnh lòng mỗi khi ngày khai giảng đến gần. Nhưng, dù không được hoàn thiện về mặt thể chất thì việc đến trường đối với những đứa trẻ như Hậu và Hoàng là rất cần thiết. Cô Trần Thị Minh Yến, giáo viên lớp dự bị 3, khối chậm phát triển Trường Chuyên biệt Tương lai cho biết:
“Nhiều gia đình cảm thấy tự ti khi con mình bị khuyết tật nên không muốn cho đến trường, nhưng trên thực tế cho các em đến trường sớm bao nhiêu càng tốt cho các em bấy nhiêu. Đến trường các em sẽ được vào nền nếp, được tập luyện các kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ và kỹ năng giao tiếp với xã hội. Khi các em sống trong môi trường có nhiều bạn bè, thường xuyên trao đổi thì trí tuệ cũng sẽ phát triển hơn. Cho các em đi học còn giảm bớt gánh nặng cho gia đình”.
Được đến trường không chỉ là niềm vui mà còn là quyền lợi chính đáng của các em. Mặc dù biết học nhiều sẽ không có lợi cho sức khỏe của mình, nhưng mỗi lúc thấy các bạn cắp sách đến trường Hoàng lại rất háo hức. Em nói: “Em thích đến trường vì vui hơn ở nhà, đi học em có thêm nhiều bạn. Bây giờ em đã biết đọc, biết viết nên không còn bị chê là dốt nữa”. Mẹ Hoàng xúc động nói: “Gia đình không ép nó học đâu, nhưng thấy cháu ham học nên mừng lắm. Chị và ông xã chẳng mong gì cao, chỉ mong nó biết đọc, biết viết và tính toán cộng trừ là được”.
Niềm mơ ước của những gia đình như chị Hiền, chị Thái chỉ đơn giản là con mình được đến trường, được hòa nhập với cộng đồng, được sống đúng với tuổi thơ của các em. Hoàng và Hậu thấy được hạnh phúc khi có cha mẹ ở bên cạnh quan tâm chăm sóc việc học hành. Mong sao, trong xã hội có nhiều em được chăm sóc như Hoàng và Hậu.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA