Thực trạng chung của nhiều nhà vệ sinh trường học hiện nay là quá bẩn, hôi hám, xuống cấp... khiến học sinh không dám bước vào, nên đành phải “nhịn”.
Nhắm mắt, nín thở vào nhà vệ sinh
Khu nhà vệ sinh của Trung tâm GDTX-HN quận Thanh Khê hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp, khiến nhiều học sinh không dám bước vào. |
Em T, học sinh lớp 8 Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) than thở: Nhà vệ sinh hôi quá, nên suốt cả buổi học, em không dám uống nước nhiều vì sợ mắc tiểu. Từ đầu năm học đến nay, em mới vào nhà vệ sinh một lần duy nhất. Mẹ của T. kể, mỗi lần tan học, về đến nhà, con bé chạy thục mạng vào nhà vệ sinh trước. Hỏi ra mới biết, do cháu “nhịn” đi vệ sinh ở trường suốt cả buổi. Bà bức xúc: Năm học nào, phụ huynh cũng đóng tiền dịch vụ vệ sinh vậy mà nhà trường lại để nhà vệ sinh dơ bẩn, trẻ con không dám sử dụng.
Theo quy định của ngành Y tế, nhà vệ sinh phải có đủ ánh sáng, nước dội, vòi nước, xà phòng rửa tay, không có mùi hôi, không bị đọng nước hay xuống cấp... Tuy vậy, qua tìm hiểu thực tế, nhiều nhà vệ sinh tại các trường học không đạt những yêu cầu này. Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Khê) có một trong 2 khu nhà vệ sinh bị hư hỏng, sụt hố ga, bốc mùi hôi thối; không khí bên trong nhà vệ sinh luôn ẩm thấp, thiếu ánh sáng, các dụng cụ đựng nước cũ kỹ, nhếch nhác, bẩn thỉu... Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhà trường cho biết, trường đang cho sửa chữa lại để học sinh dùng tạm, đồng thời đã kiến nghị cấp trên đầu tư xây dựng lại khu nhà vệ sinh này.
Nguy cơ bệnh tật
|
Trước thực trạng nhà vệ sinh tại các trường học như trên, nhiều phụ huynh rất lo lắng về việc sinh hoạt, đi vệ sinh của con em mình. Vì vậy, nhiều học sinh đã chọn giải pháp “nhịn” đi vệ sinh ở trường, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Theo các bác sĩ khuyến cáo, việc tiểu tiện, đại tiện là nhu cầu tất yếu của cơ thể, nếu học sinh thường xuyên “nhịn” thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Mặt khác, nhà vệ sinh bẩn cũng là nguy cơ lây nhiễm các bệnh tả, lỵ, dịch tiêu chảy cấp...
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH