.
PHONG TRÀO XÂY DỰNG “TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC”

Mô hình trường học lý tưởng

.

Cùng với các địa phương khác trên cả nước, giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, ngành giáo dục-đào tạo thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động. Đây là một mô hình trường học mới, hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả đối với chất lượng giáo dục-đào tạo ở các cấp học.

Đẩy mạnh giáo dục toàn diện cho học sinh

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm được chọn triển khai xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhưng hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều hạn chế. TRONG ẢNH: Giờ học của học sinh lớp 8 nhà trường.

Ngày 15-8-2008, Sở Giáo dục-Đào tạo và Công đoàn Giáo dục thành phố có Kế hoạch số 2822/KH-LT, triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu mà ngành giáo dục-đào tạo đặt ra là đến cuối năm học 2008-2009, toàn thành phố có 7 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trường THCS và 2 trường THPT được công nhận “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Theo đó, Sở Giáo dục-Đào tạo yêu cầu, trong năm học 2008-2009, ngoài việc thực hiện xây dựng môi trường giáo dục bảo đảm, an toàn, thân thiện, tạo không khí vui chơi lành mạnh cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường cần tập trung giải quyết các vấn đề như:

Nhà trường phải có nhà vệ sinh và thường xuyên tổ chức cho học sinh dọn dẹp sạch sẽ; nhận chăm sóc một di tích lịch sử cách mạng ở địa phương và có kế hoạch lựa chọn đưa các trò chơi dân gian hoặc các hoạt động vui chơi tích cực khác vào trường học.

Có thể thấy rằng, điểm mới của phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” so với các phong trào khác đã được triển khai ở ngành giáo dục-đào tạo những năm trước đây, đó là đưa các trò chơi dân gian vào các hoạt động vui chơi giải trí; học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.
 
Với các nội dung triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” như trên cho thấy, công tác giáo dục đối với học sinh toàn diện và rộng hơn. Ở môi trường học tập mới này, các em được tiếp cận nhiều hơn với thực tế, chứ không còn đơn thuần mang nặng lý thuyết khô cứng. Trong đó, quan trọng hơn cả là các em biết nâng niu, gìn giữ, quý trọng những giá trị lịch sử, thiêng liêng mà ông cha để lại.

Bên cạnh đó, hằng ngày ở lớp học, các em nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan trường học... thông qua những buổi lao động làm vệ sinh. Từ môi trường học tập mới, các em sẽ hình thành niềm đam mê, hăng say và chủ động hơn trong học tập. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của nhà trường.

Tháo gỡ khó khăn cho nhà trường

Những ngày đầu năm học 2008-2009 này, các trường được chọn làm điểm xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã và đang tích cực bắt tay vào việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bước đầu đã có không ít trường gặp phải khó khăn, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất. Ông Lại Tấn Nghị, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Liên Chiểu) cho biết, sau khi Ban giám hiệu triển khai các nội dung xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đông đảo giáo viên, học sinh đồng tình hưởng ứng.

Mặt khác, nhà trường cũng đã liên hệ với UBND phường Hòa Minh để đăng ký cho giáo viên, học sinh chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ của phường và tham gia các hoạt động văn hóa đình làng Hòa Mỹ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là các điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều hạn chế như: Công trình vệ sinh đã bị xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh; thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy và phòng học, thiếu máy vi tính ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy-học; không gian tổ chức các hoạt động vui chơi của học sinh thì chật chội... Tương tự, tại Trường tiểu học Lê Lai (quận Ngũ Hành Sơn), công trình vệ sinh của nhà trường hiện cũng đã xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường đối với học sinh.

Ngoài ra, việc đưa các trò chơi dân gian vào nhà trường hiện nay đang gặp phải khó khăn do không có nguồn kinh phí. Ông Nguyễn Lâm, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện nay, Phòng Giáo dục-Đào tạo xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Văn hóa-Thể thao-Du lịch quận để tổ chức các trò chơi dân gian trong nhà trường. Tuy vậy, vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay của ngành giáo dục-đào tạo quận là chưa biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để triển khai thực hiện nội dung này?

Để đạt được mục tiêu xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” như ngành giáo dục-đào tạo đã đặt ra trong năm học 2008-2009, thiết nghĩ, thành phố cần sớm quan tâm tháo gỡ những khó khăn mà các trường học đang gặp phải hiện nay.

Bài và ảnh: HÒA KHÁNH

;
.
.
.
.
.