.

“Sân khấu học đường”, nỗi lòng và kỳ vọng

.

Những ngày đầu tháng 8, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh như trẻ lại bởi không khí tất bật, náo nhiệt của những buổi biểu diễn phục vụ cho dự án “Sân khấu học đường” giai đoạn 2007-2010, dành cho học sinh 3 trường THCS thí điểm trên địa bàn thành phố: Trường THCS Nguyễn Văn Linh (quận Cẩm Lệ), Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) và Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu).

Cảnh trong trích đoạn “Đổi hồn Đát Kỷ” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn phục vụ các em học sinh Trường THCS Kim Đồng.

Tuồng cổ ra đời từ thời nhà Trần và được xem là loại hình nghệ thuật cổ điển và bác học nhất Việt Nam. Đã có thời, Tuồng cổ được xem như là “Quốc hồn” của dân tộc. Tuồng cổ cũng được sánh ngang với Bi kịch Hy Lạp, Kinh kịch của Trung Quốc và kịch Noh của Nhật Bản. Thế nhưng, trong xã hội hiện tại, Tuồng cổ đang dần mai một và mất chỗ đứng.

Sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại đã làm cho tuồng cổ thiếu vắng khán giả. Chỉ còn ít những nghệ sĩ tâm huyết bám nghề cùng một lượng khán giả khiêm tốn. Đặc biệt, với lớp trẻ hôm nay, sân khấu truyền thống càng trở nên xa lạ bởi so với các loại hình âm nhạc thị trường hiện đại, sân khấu không có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Để hiểu được sân khấu truyền thống, người xem phải có những kiến thức cơ bản về sân khấu vì ngôn ngữ sân khấu là ngôn ngữ hành động, đặc biệt với sân khấu Tuồng là sân khấu ước lệ (không cảnh trí, không đạo cụ) mà tất cả chỉ được biểu hiện qua cử chỉ, điệu bộ, tâm trạng của nhân vật...

Đó là chưa kể so với sự sôi động, bắt mắt về hình ảnh, âm thanh thậm chí cả nội dung rất thời sự, cập nhật của xã hội đương đại thì sân khấu Tuồng được phần đông các bạn trẻ cho là lạc hậu, quê mùa... Vì thế, bấy lâu những buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật sân khấu thường diễn ra rất lặng lẽ dù cho giá vé “rất ưu đãi” thì cũng không thu hút được người xem.

Sau lần thứ nhất triển khai khá thành công ở 3 trường THCS Hòa Tiến, THCS Nguyễn Huệ, THCS Lê Độ, Dự án “Sân khấu học đường” đã bước đầu thâm nhập được vào giới trẻ Đà Nẵng. Ở Trường THCS Hòa Tiến bây giờ vẫn duy trì được đội hình văn nghệ là những diễn viên nhí cũng đánh trống, thổi kèn, kéo nhị và vào vai những nhân vật cổ như An Dương Vương, Mỵ Châu, Mạnh Lương, Vua Trụ... Từ đó đến nay, các em vẫn say mê tham gia biểu diễn phục vụ trong hội diễn văn nghệ của trường và địa phương.
 
Trong buổi biểu diễn báo cáo tổng kết 5 năm lần thứ nhất (2001-2005), Giáo sư Hoàng Chương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo dự án “Sân khấu học đường” đã nhận xét về đoàn Đà Nẵng: “Các diễn viên nhí Đà Nẵng đã diễn được những vai tuồng truyền thống và Kịch sử khá hay. Đặc biệt, ở đây còn đào tạo được một dàn nhạc Tuồng khá tốt... Nhìn các em 12, 13 tuổi đánh trống, thổi kèn, kéo nhị... rất nhịp nhàng, thật dễ thương, càng gieo vào trong chúng ta một niềm tin là nghệ thuật truyền thống không thể mất đi khi thế hệ trẻ vẫn yêu thích, vẫn kế thừa rất tốt”.

Học sinh Trường THCS Kim Đồng đang xem biểu diễn ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Năm nay, dự án “Sân khấu học đường” lại về Đà Nẵng trong những ngày các em đang chuẩn bị bước vào năm học mới. Cùng các em học sinh Trường THCS Kim Đồng xem một buổi biểu diễn những trích đoạn khá gần gũi như “Mạnh Lương ra hang”, “An Dương Vương thành Cổ Loa”, “Đổi hồn Đát Kỷ” mà những nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn mới thấy được những bài học lịch sử được chuyển tải khá sinh động qua những nhân vật ở sân khấu tuồng có sức hấp dẫn và gần gũi độc đáo.

Cảm nhận về một buổi biểu diễn “thật” về con người và không gian có sức cuốn hút hơn rất nhiều khi chứng kiến những trích đoạn gián tiếp qua ti-vi, đó không chỉ là nhận xét của thầy giáo Lương Văn Long (Bí thư Đoàn Trường THCS Kim Đồng) mà còn là cảm nhận của hầu hết khán giả nhí của Trường Kim Đồng trong buổi biểu diễn hôm ấy.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, tiếp thu cái mới cũng đồng nghĩa với việc lưu truyền, bồi đắp và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Dự án “Sân khấu học đường” là một bước tiếp cận đúng đắn và đầy nhân văn của sân khấu truyền thống đến với lớp khán giả trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Tất nhiên, để nghệ thuật truyền thống thật sự có đất sống, đó không chỉ là cố gắng của ngành văn hóa-nghệ thuật và giáo dục, mà còn cần rất nhiều sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Bài và ảnh: Lâm Thanh

;
.
.
.
.
.