.

Sinh viên “quáng gà” tìm nhà trọ!

.

Càng sát nút với ngày tân sinh viên đại học - cao đẳng nhập học, tình hình phòng trọ càng căng. Một ngày ròng rã đi cùng hai đoàn viên tình nguyện chuyên giúp sinh viên tìm phòng trọ, chúng tôi vẫn không tài nào tìm ra một nơi ở bảo đảm các khoản: tiện đi lại, sạch sẽ và an ninh.

“Khủng” nhất là nhà vệ sinh!

Những căn nhà trọ xập xệ như thế này giờ đây cũng rất cần cho các sinh viên đang tìm chỗ ở. 

Để “thám hiểm” nhà vệ sinh của hơn 10 nhà trọ thuộc các khu vực Hoàng Diệu, Quang Trung, Lý Tự Trọng, Âu Cơ, Lạc Long Quân..., người ta cần phải có chút can đảm, để chịu đựng mùi hôi khủng khiếp từ đó. Phòng vệ sinh ở H9/11 Quang Trung chỉ rộng hơn nửa mét, đủ lách vừa một người. Trong (và cả khoảng sân đằng trước) nhơm nhớp nước, bồ hóng bay bay, tường mốc meo, ẩm thấp và bí hơi.
 
Nơi này, theo lời của bà chủ nhà, sẽ được dùng chung cho tròm trèm 10 nhân khẩu. Chỗ cho sinh viên thuê khoảng 7m2/phòng, ít ánh sáng, sàn bụi đóng dày, chất đầy các thứ vật dụng gia đình như chiếu, gối, áo quần, bàn ghế, v.v... Tuy điều kiện phòng ốc như vậy, nhưng chủ nhà và anh bạn tình nguyện viên vẫn chắc chắn: “Nếu chần chừ sẽ có người thuê ngay”. Anh bạn giải thích: “Sinh viên ở các Trường Cao đẳng Đông Á và Công nghệ thông tin vẫn chấp nhận, vì gần trường. Hơn nữa, vài ngày nữa căng thẳng tột độ, kiếm không ra phòng thì cũng nhào vô thôi”.


Tại các khu trọ khác, 1 - 2 toilet dùng cho cả dãy trọ vài chục người là chuyện thường. Ngay cả khu trọ ở K88/8 Lê Đình Lý, được sinh viên gọi là chỗ “vip” (tươm tất nhất) cũng không khá hơn. Bên cạnh những căn phòng thoáng mát, khu trọ “vip” này không thiếu những chỗ như “ổ chuột”. Chủ nhà đưa chúng tôi vào một phòng trống duy nhất còn lại, rộng 5m2, chỉ kê được chiếc giường đơn và cái bàn be bé. Phòng sát vách với 2 “ô” toilet cáu bẩn, tối thui và hôi khủng khiếp. Bà chủ lại bảo: “Bên này (căn kế bên, cũng chung số phận như vậy - PV) đã có cô sinh viên năm 2 thuê rồi đấy!”.

Chỉ khoảng 8m2, căn phòng này được định giá thuê 500.000 đồng/tháng, nhưng theo lời nhà chủ là: “giá vậy cũng không còn chỗ mà thuê”.

Anh T.P.T, người Thanh Hóa, sinh viên năm 3 Trường Đại học Duy Tân tuy “khoe”: “Nơi này là tốt nhất trong số 4 nhà trọ mà em đã từng ở”, nhưng cũng phải gật đầu thừa nhận: “Khi 30 người chung nhau “khoảng trời” cần thiết ấy, lắm lúc phải xếp hàng buổi sáng khi người ở trong hơi “kẹt”; vào được rồi, lại gấp gáp, nín thở để mau mau ra khỏi chốn này”. Chủ nhà còn tận dụng hết cỡ, xây thêm một phòng ở tầng trên, nối với khu dưới bằng một cầu thang xoắn hẹp, nóng hầm hập. T.P.T cho biết: “Mấy bữa trưa nóng quá, bọn con gái trên đó toàn xuống ngủ nhờ phòng em”.

“Độc” hơn, trước mặt khu trọ cách Trường tiểu học Phan Phu Tiên (Liên Chiểu) 300m, là một ao tù đầy nước đục ngầu dù trời đang nắng chang. Nhiều chỗ trọ khác thuộc địa bàn quận này, mái tôn được chắp vá đủ kiểu, hắt cái nóng khó chịu xuống căn phòng vốn đã bức bối vì chật.

Nóng, chật chội, ẩm thấp, mùi toilet chịu không nổi là tình trạng chung, sinh viên chịu không thấu thì vẫn cứ cắn răng, bởi “đi đâu cũng vậy thì còn mong gì”. Kinh nghiệm 3 năm lăn lộn tìm phòng cho sinh viên, các tình nguyện viên nhận xét: “Tiền nhà, tiền nước mỗi năm mỗi tăng, mà điều kiện sống vẫn vậy, chủ nhà không bao giờ tu sửa cho sạch sẽ”.

Giá được tính... tùy tiện

 
Căng thẳng phòng trọ

Theo lời các tình nguyện viên chuyên tìm giúp nhà trọ cho tân sinh viên, chừng 3 - 5 ngày nữa sẽ đến hồi “gay cấn”. Nhưng thực tế, hầu hết các khu trọ trong nội thành (đường Hoàng Diệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tri Phương, Lý Tự Trọng, Quang Trung, Lê Đình Lý…) và ngoại thành (Âu Cơ, Lạc Long Quân thuộc quận Liên Chiểu) đều kín phòng. Trong khi đó, cách đây một tuần, phòng vẫn còn la liệt. Họ nhẩm tính:

“Năm 2006, trong một tuần, đội chúng em tìm được 300 phòng trống để giới thiệu cho các bạn. Năm nay, với kinh nghiệm của hai năm trước, cùng với việc chia nhau đi suốt mùa hè, cả đội tìm được 800 phòng. Đó là con số ban đầu, nhưng con số thực “thảm” hơn rất nhiều, vì mới “trống” đó nhưng năm phút sau “hết chỗ” là chuyện bình thường”.

Giá phòng năm nay tăng cao hơn năm ngoái khoảng 150.000 đồng/phòng. Giá điện cũng thêm từ 500 - 1.000 đồng/kWh. Một phần nguyên do dẫn đến căng thẳng nhà trọ, theo các bạn sinh viên là: năm học này, ngoài việc tân sinh viên ồ ạt đổ về, còn vì toàn bộ sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (học tại Hòa Khánh, Liên Chiểu) đều dời về cơ sở mới trên đường Phan Đăng Lưu, tạo nên áp lực lớn về chỗ ở. 

 
Phòng trọ cho sinh viên thuê đều có diện tích phổ biến từ 8 - 10m2, nhưng đủ loại giá cả: “sang sang” thì 500.000 đồng/tháng, “bèo bèo” từ 250.000 đồng/tháng. Chủ nhà trọ K104/25 Lê Đình Lý tỏ ra bất cần: “Chừ làm gì tìm ra phòng trọ. Chỗ tôi cả chục phòng 500.000 - 700.000 đồng (phòng chỉ chừng 8m2 - PV) cũng không có mà thuê”. Người này cũng không buồn dẫn đi xem phòng trống hiếm hoi chưa ai thuê: “Ai thời gian đâu mà dẫn đi coi cho biết. Phải chắc rồi đặt phòng luôn. 700.000 đồng/tháng. Đặt tiền ba tháng/lần. Nghĩ tình sinh viên ít tiền có thể đặt trước hai tháng thôi, tức là 1,4 triệu”.

Giá tiền nước và điện được tính theo kiểu tùy tiện: 1.500 - 2.000 đồng/kWh (chữ điện), nước 15.000 - 25.000 đồng/đầu người/tháng. Mặc dù ngày nào cũng xài nước giếng bơm, chỉ được “đụng” vào nước thủy cục để nấu cơm và thức ăn, mỗi sinh viên khu trọ K88/8 Lê Đình Lý vẫn phải trả thêm tiền nước 15.000 đồng/tháng! Còn đồng hồ điện cứ chạy “ro ro”. T.P.T cười tếu: “Phòng bên kia không hiểu sao tháng nào cũng 250.000 đồng tiền điện, trong khi chỉ có máy tính, nồi cơm, quạt, bàn ủi. Phòng em chạy đúng nhất, “chỉ” trả 100.000 đồng/tháng, cũng với chừng đó thứ”.

T. và 5 phòng khác nối dây Internet với nhà chủ (nhà chủ có tiệm Internet), vẫn phải đóng 100.000 đồng/tháng/phòng. Chính vì kiểu “bóc lột” đó, sinh viên các khu trọ đều ta thán: “Tiền nhà và điện nước đã chiếm một nửa “ngân sách” mà gia đình gửi cho. Tiền mình trả đủ cho cả nhà chủ xài xả láng”.

Nghèo còn gặp eo!

“Mất cắp khỏi chê!”, điệp khúc này chúng tôi cứ nghe tới nghe lui qua khắp các khu nhà trọ. Không chỉ những sinh viên năm nhất bị mất cắp đồ đạc do thiếu kinh nghiệm cảnh giác, mà bất kỳ sinh viên nào, địa bàn nào, kẻ trộm đều sẵn sàng nhúng tay vào.

Sinh viên chủ yếu sống bằng trợ cấp của gia đình, chi đủ thứ, lại phải cõng thêm khoản phí mua sắm chừng chừng cho những vật dụng “không cánh mà bay”. Quần jean, tiền, và phổ biến là điện thoại lâu lâu lại biến mất. Chủ nhân của những món đồ này cũng “hô” lên, cũng tìm kiếm, cũng lùng sục thủ phạm, nhưng thường thì những phi vụ trộm vặt này đều “chìm xuồng”.

Một nam sinh viên đang trọ tại khu nhà K88/8 Lê Đình Lý nói: “Ba năm rưỡi trọ tại đây, mình mất 2 chiếc điện thoại. Lần đầu nghi ngờ người ở phòng bên cạnh. Nghi thôi chứ không lấy lại được. Điện thoại để trên giường, vừa đi ra rửa mặt trong tích tắc đã không thấy đâu nữa. Lần gần đây vào tháng 6-2008, mất do có người bên ngoài lẻn vào.
 

Chỉ kê được một giường nhỏ, không có cửa sổ, tường nham nhở, căn phòng nằm ngay sát nhà vệ sinh được cho thuê với giá 200.000 đồng/tháng. (chụp tại khu “vip” K88/8 Lê Đình Lý).

Hôm đó có hai thằng lạ mặt đi từng phòng hỏi tìm người thân. Và khi bọn chúng đi khỏi thì điện thoại của mình cũng đi khỏi theo. Bây giờ ba mẹ mới sắm thêm bộ máy tính. Lo quá, biết giữ cách nào cho an toàn đây”. Sinh viên này còn cho biết thêm, vài người khác cũng là nạn nhân của những vụ trộm. Chủ nhà có biết chuyện nhưng chẳng giải quyết được gì.

Tại K104/25 Lê Đình Lý, chủ nhà đưa cho chúng tôi xem quyển vở ghi tên tuổi, lý lịch người thuê trọ và sự phối hợp chặt chẽ với Công an phường trong việc bảo vệ an ninh cho toàn bộ khu nhà. Ngay từ khi chúng tôi vừa đặt chân vào cổng, người nhà của ông đã tỏ ra rất “tự hào” vì nơi này an toàn nên luôn đông người muốn được thuê ở. Ấy vậy mà khi hỏi chuyện một nữ sinh viên Đại học dân lập Duy Tân trọ ở đây, chúng tôi lại nghe một câu chuyện khác: “Em đã mất tới 2 chiếc điện thoại. Riêng trong mùa Euro, cả dãy bị trộm tổng cộng 20 triệu đồng. Biết vậy đã không thèm thuê, chẳng qua tìm không ra chỗ”.

Để đối phó với nạn mất cắp, nhiều sinh viên chỉ còn biết cách khóa cửa mọi lúc. Đi tắm, khóa cửa. Đi rửa chén, khóa cửa. Đi múc nước, khóa cửa… Tóm lại, cứ bước chân ra khỏi phòng vài mét là khóa “cho chắc”. 

 

Xuất hiện dịch vụ “Trợ giúp nhà trọ”

Trước tình hình sinh viên khó kiếm nhà trọ tại thời điểm đầu năm học mới, dịch vụ giới thiệu phòng trọ đã nhanh chóng xuất hiện với mức phí 35.000 đồng/lần. Tại Trung tâm  trợ giúp nhà trọ số 129 Phạm Như Xương (cách Đại học Sư phạm chừng 500m), tập trung hàng chục sinh viên tỏ ra khá mệt mỏi sau nhiều ngày tìm nhà trọ học.

Cách làm của trung tâm là hỏi khách hàng tất cả nhu cầu đối với căn phòng cần thuê, sau đó cho xem ảnh về nơi được giới thiệu. Nếu khách đồng ý, người của trung tâm sẽ dẫn đi đến tận nơi và làm thủ tục thuê ngay. Khi chúng tôi xem xong phòng và có ý về suy nghĩ lại, người của trung tâm tỏ ra không hài lòng, và đề nghị chúng tôi đặt tiền cọc cho chủ để vào ở ngay. Dù muốn hay không muốn quay trở lại căn phòng này, chúng tôi cũng phải trả 35.000 đồng tiền môi giới.

 

THU HOA - HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.