.

Yêu nghề mà sống

.

Năm 2003, sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành mầm non, cô Đặng Thị Anh Hiền xin vào dạy ở Trường mầm non Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Không ít người ngạc nhiên, vì sao đang làm cho Công ty Dệt-may Hòa Thọ với mức lương trên dưới 1 triệu đồng mỗi tháng, cô lại “nghỉ ngang xương” về đi làm nghề giữ trẻ chỉ có 280 nghìn đồng mỗi tháng?

Với mức lương mới, nụ cười của cô và cháu sẽ còn tươi tắn hơn.

“Đi làm cho Dệt-may Hòa Thọ chủ yếu là để kiếm tiền học cao đẳng vào ban đêm. Tốt nghiệp rồi, em nghỉ may, xin làm giáo viên mầm non (GVMN). Tuy thu nhập thấp, nhưng rất vui vì đúng nghề mình yêu thích, lại được gần nhà” - cô Hiền bộc bạch.

Họ đã sống với đồng lương quá ít

Trước đó 3 năm, cô Nguyễn Thị Ngọc Nữ cũng vào Trường mầm non Hòa Phong theo cách tương tự, chỉ khác một điều là cô tự mở quán may để kiếm tiền đi học cao đẳng. Hiện nay, cô Nữ ăn lương bậc 2 cao đẳng cộng với phụ cấp chức vụ (cô là tổ trưởng chuyên môn) mỗi tháng cô nhận được 820 nghìn đồng. Trong khi đó, do vào trường trễ hơn, cô Hiền chỉ nhận vẻn vẹn 611 nghìn đồng!

Cả trường có 30 GV thì hết 27 người là hợp đồng, tất cả đều là người địa phương. Trong số đó, theo cô Phan Thị Kim Xuân, Quyền Hiệu trưởng, khó khăn nhất, ngoài cô Hiền, cô Nữ, còn có các cô Bùi Thị Thúy Nga, Nguyễn Thị Thân... Khi được hỏi làm thế nào có thể sống được với 611 nghìn đồng mỗi tháng trong tình hình lạm phát hiện nay, cô Hiền cười:

Thì có chừng nào tiêu chừng đó! Cô đang sống cùng gia đình, thu nhập của chồng cũng không nhiều nhặn gì. Với mức lương như thế chưa đủ trang trải cuộc sống với cô, nói gì tới chồng con. Đến lớp, cô nào cũng tinh tươm. Nhưng về đến nhà thì tất bật lao vào công việc gia đình. Ai cũng ít nhất 1 sào ruộng, 1 con heo. Không “tăng gia” thì lấy chi bù cho các khoản thiếu hụt?!

Cô Thân có thâm niên lâu nhất, làm GV 20 năm vẫn chưa vào được biên chế. Cô từng là GV tiểu học trên huyện Hiên, chấp nhận “xuống cấp” làm cô nuôi dạy trẻ hợp đồng để được gần nhà. Hiện nay, cô ăn lương cơ bản bậc 4 hệ trung cấp chỉ với 861 nghìn đồng mỗi tháng, trừ 3 tháng nghỉ hè. Để có thể lo cho 3 đứa con ăn học, cô còn phải tranh thủ làm thêm 3 sào ruộng, trồng rau, nuôi heo. Cũng may, chồng cô có việc làm ổn định với thu nhập tương đối, nên so với các GV hợp đồng khác ở trường, cô cũng không đến nỗi đầu tắt mặt tối.

Ở nông thôn, bó rau, lon gạo, nhiều cô không phải bỏ tiền ra mua. Nhưng ở thành thị, các cô “bơi” giữa thời vật giá leo thang. Cô Lê Thị Bích Hợi, 4 năm làm GV hợp đồng ở Trường mầm non Măng Non (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) với mức lương hiện không đến 700 nghìn đồng, trong đó có khoản tiền đáng kể nhận được từ việc chăm sóc trẻ bán trú. Đứa con gái 21 tháng tuổi, cô gửi nhà trẻ ở Hòa Khánh, 6 giờ sáng đã có mặt ở trường để nhận trẻ, 5 giờ chiều mới về nhà. Ở phố, trăm thứ cuộc sống đều dựa vào đồng lương, không cần khuyên nhắc, tự thân các cô cần phải biết tiết kiệm để tồn tại.

“Trời đánh” cũng không buông nghề

Cô Hợi gửi con mình cho nhà trẻ, còn mình thì giữ con người ta.

Đó là câu nói vui của các cô GVMN hợp đồng ở Trường mầm non Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Lương thấp, giá cao, nhưng vì sao GVMN vô mà không ra? Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang giải thích: “Ở nông thôn, ra trường cầm mảnh bằng mà không đi làm GVMN thì chỉ còn nước về làm ruộng. Phần lớn GVMN dân lập sống được là nhờ chồng có thu nhập cao. Đối với họ, có việc làm là để cho vui, chứ thực sự vì cuộc sống thì họ nghỉ hết. Ngoài ra, việc thành phố hỗ trợ mỗi cô bình quân 300 nghìn đồng mỗi tháng trong năm 2006 cũng góp phần giữ chân các cô ở lại”.

Công việc ở lớp thì như nhau, nhưng đồng lương thì chênh lệch một trời một vực. Mỗi tháng, cùng một bậc lương, trong khi GV biên chế nhận tới 2,7 triệu đồng thì GV hợp đồng chỉ vẻn vẹn 861 nghìn. Như thế, làm gì tránh khỏi sự so kè? Mà thực tế lại khác, như lời cô Thân: “Chuyện lương ít, lương nhiều là do lịch sử để lại, GV hợp đồng chúng tôi ai cũng biết thế. Chúng tôi còn phấn đấu nhiều hơn, cốt là để được vô hợp đồng dài hạn, chứ vô biên chế thì dễ chi. Nhưng cái chính là để khi mình nghỉ dạy hẳn về nhà, không ai nói chi được mình cả”.

GV tiểu học dạy học sinh 5 x 2 = 10 cực kỳ nhẹ nhàng, đơn giản. Thế nhưng, để dạy cho các cháu dưới 6 tuổi nhận ra con số 5, con số 2 thì GVMN cực bở hơi tai! Đó là chưa kể đến nhiều công việc không tên khác đòi hỏi cô nuôi dạy trẻ phải “cầm tay chỉ việc” như chuyện các cháu đi vệ sinh chẳng hạn. Cực nhọc là thế, nhưng mỗi khi thi tuyển biên chế hay hợp đồng ngân sách thì GVMN bị loại, bởi chỉ tuyển từ bậc tiểu học trở lên!

Vừa rồi, nghe tin thành phố sẽ chuyển một số trường mầm non bán công sang công lập tự chủ một phần tài chính, GVMN hợp đồng ai cũng khấp khởi mừng thầm. Với mức lương nhiều hứa hẹn hơn, không ai phải “cố yêu nghề mà sống” nữa. Có tiền lương mới, cô Nữ sẽ đi học đại học. Cô Hiền sẽ nâng cao cuộc sống gia đình, trước mắt là sắm một chiếc xe máy để khỏi phải nhờ ông xã sớm chiều đưa đón.

 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Lê Văn Phước: Dù còn nghèo, nhưng người dân Hòa Vang rất quan tâm đến việc học của các cháu ở độ tuổi mầm non.
 
Năm học 2007-2008, cả huyện huy động được 87% trẻ trong độ tuổi ra lớp, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%, đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Năm học 2007-2008, toàn huyện phấn đấu huy động các cháu 4 tuổi ra lớp cũng đạt 100%. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào tinh thần yêu nghề, mến trẻ của đội ngũ GVMN trong thời gian qua, nhất là 174 GV hợp đồng trên toàn huyện.

 

Văn Thành Lê

;
.
.
.
.
.