.

Đằng sau nụ cười là nỗi lo

.

Gia đình có kinh tế khá giả bỏ ra vài triệu đồng cho con cái nộp học phí đầu năm học là vấn đề đơn giản. Nhưng số tiền ấy đối với nhà nghèo, gia đình có thu nhập thấp là một vấn đề khó khăn.

Để con cái được đến trường, các bậc phụ huynh phải chạy vạy khắp nơi, có khi phải nợ nần, nhưng vẫn lạc quan. Niềm vui lớn nhất của họ là con cái được học hành đến nơi đến chốn...

Gian hàng nhỏ này là nơi chị Nguyễn Thị Mai Hương nuôi sống gia đình và lo cho con cái học hành.
Nhiều người nghèo nói vui khi có con đi thi đại học rằng: “Con thi không đỗ thì con chết với bố. Nhưng con mà thi đỗ thì... bố lại chết với con!”. Câu nói tuy vui nhưng hàm chứa biết bao tâm tư của những gia đình khó khăn khi con cái đứng trước cánh cửa cao đẳng, đại học. Gói ghém cho con đi thi, người cha, người mẹ nào chẳng mong con đỗ đạt, mang vinh quang về cho gia đình, họ tộc. Nhưng đằng sau nụ cười hạnh phúc, tự hào khi con nhận được giấy báo trúng tuyển, các bậc phụ huynh lại lo đứng, lo ngồi về khoản tiền học phí và bao chi phí khác trong suốt mấy năm học đằng đẵng...

Chúng tôi đến tổ 11, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, ghé thăm nhà chị Lê Thị Huệ, tổ trưởng tổ dân phố. Chị Huệ dẫn qua thăm vợ chồng chị Lê Thị Chiếu và anh Trương Văn Tiến có đứa con trai mới vào học tại Trường Cao đẳng Đông Á (Đà Nẵng). Gia đình khó khăn, để có tiền cho con nộp học phí và kịp thời nhập học, chị Chiếu phải vay nóng hàng xóm 3 triệu đồng, mỗi tháng chịu lãi suất 300 nghìn đồng. Khó khăn là vậy nhưng trông chị thật lạc quan. Chị tâm sự: “Mình không có cái chữ, nghèo đã đành, nhưng con cái học được mà không cho đến trường thì thật có tội.
 
Chúng tôi quyết tâm lo cho con ăn học dù nợ nần bao nhiêu cũng phải chấp nhận...”. Đến thăm chị Nguyễn Thị Mai Hương, chúng tôi thấy gia cảnh chị còn xúc động hơn. Một mình chị lo cho cả gia đình, trong đó có đứa con đang du học tại Nhật Bản. Chị Huệ cho biết, đây là một gia đình nghèo nhất vùng nhưng con cái rất hiếu học. Năm nay, đứa con trai thứ 5 của chị đỗ đại học ngành cử nhân vật lý thuộc Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Chị tổ trưởng dẫn chúng tôi xuống chợ Hòa Thọ Tây, chiếc sạp nhỏ của chị Hương chỉ vài đôi dép, những chiếc khẩu trang và ít đồ tạp hóa.

Cô Ngô Thị Tám (Thạch Nham Đông, Hòa Nhơn, Hòa Vang) nộp học phí cho con bằng cách nuôi lợn để bỏ bùng binh.

Mỗi ngày chị Hương kiếm được khoảng 20 nghìn đồng tiền lời để lo bữa ăn và phụ cấp cho con học hành. Chị Hương thổ lộ: “Nhìn đứa con cầm tờ giấy trúng tuyển mừng rơn mà lòng tôi nặng nề. Vừa vui, vừa lo. Biết làm sao khi trong nhà không có cái gì bán được 1 triệu đồng. Mà trong giấy báo mức học phí và các khoản khác gần 2 triệu. Với tôi, số tiền đó lúc này quả thực rất lớn. Nhưng vì con  ham học nên tôi chạy vạy khắp nơi vay nóng được 2 triệu đồng đóng học phí... Tội thằng nhỏ, cầm tiền mà mặt buồn thiu. Dù khó mấy tôi cũng ráng theo nó!”.

Vào năm học mới, nhiều gia đình dù nghèo, nhưng cũng sẵn sàng chịu nợ nần, vay mượn tiền với lãi suất cao, chỉ cốt cho con cái có tiền đóng học phí. Cái họ lo không chỉ lãi suất phải trả mỗi tháng mà còn là nỗi băn khoăn, con cái sẽ được học trong một môi trường như thế nào. Bà Hoàng Thị Thúy, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ có cô con gái học Trường Cao đẳng Đông Á tâm sự: Hằng ngày tôi đi phụ thợ nề kiếm vài chục nghìn, nửa thì lo bữa ăn hằng ngày, nửa để dành cho con học tập.

Thấy con học được thì mừng nhưng lại lo về chất lượng đào tạo, liệu sau này khi ra trường có đáp ứng được nhu cầu công việc không? Nỗi lo của bà Thúy cũng có lý bởi đã có không ít sinh viên sau khi ra trường không có việc làm hay làm việc không có hiệu quả. Đối với người nghèo thì “đồng tiền đi liền khúc ruột”, vì đồng tiền là mồ hôi nước mắt họ bỏ ra,  do vậy, họ phải được bảo đảm về chất lượng học tập của con cái.

Đó cũng chính là niềm mong mỏi của toàn xã hội. Những vất vả, cực nhọc mà người nghèo đánh đổi để có được những buổi đến lớp của con phải bảo đảm chất lượng trong từng bài giảng của thầy, cô giáo.
 
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.