.

Đi tìm giải pháp hữu hiệu

.

Sau gần hai tháng đầu năm học 2008-2009, đã có nhiều học sinh bỏ học, chủ yếu ở cấp THCS. Nhà trường và chính quyền nhiều địa phương đang gặp phải những khó khăn trong việc vận động học sinh trở lại lớp.

Vì sao học sinh bỏ học?

Do sức học yếu kém, nên những năm gần đây, con số học sinh THCS bỏ học ngày càng tăng lên. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê của các Phòng Giáo dục-Đào tạo, kể từ sau hè năm học 2007-2008 đến giữa tháng 10-2008, đã có 518 học sinh THCS bỏ học, tăng 138 em so với năm học 2007-2008. Cụ thể, quận Thanh Khê: 203 HS, Cẩm Lệ: 15 HS, Hải Châu: 50 HS, Ngũ Hành Sơn: 1 HS, Sơn Trà: 151 HS, Hòa Vang: 56 HS và Liên Chiểu: 42 HS.

Theo đánh giá của các trường cũng như các cấp chính quyền, tình trạng học sinh THCS bỏ học xảy ra nhiều trong những năm qua chủ yếu là do các em có sức học yếu, kém. Năm học 2008-2009, Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (quận Thanh Khê) có 18 học sinh bỏ học, nguyên nhân là do các em học yếu, kém. Mặc dù nhà trường đã cử giáo viên nhiều lần đến nhà vận động, nhưng chỉ có 4 em chịu quay trở lại trường, số còn lại, đến nay vẫn chưa ra lớp. Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng nhà trường nói: Học sinh bỏ học không thuộc diện nghèo, mồ côi, chỉ có những em lưu ban, ham chơi.

Qua khảo sát, trong dịp hè năm học 2007-2008, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) có 34 học sinh yếu, kém và có nguy cơ bỏ học. Trước thực trạng đó, Ban giám hiệu nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên đến nhà tuyên truyền, vận động các em không bỏ học. Đoàn Thanh niên phường Hòa Khánh Bắc tổ chức lớp ôn tập văn hóa hè giúp các em bổ khuyết kiến thức. Mặc dù vậy, vào năm học 2008-2009, trong số 34 em trên, vẫn có 19 em bỏ học; sau đó, tiếp tục có thêm 17 học sinh khác bỏ học.

Nhà trường và các đoàn thể, UBND phường Hòa Khánh Bắc nhiều lần đến gia đình vận động, nhưng đến nay các em vẫn không ra lớp. Khi chúng tôi hỏi vì sao bỏ học, em N.Đ.N (học sinh lưu ban), lớp 7/10 Trường THCS Lương Thế Vinh nói: Em học không nổi nữa, nên không muốn đến trường. Còn mẹ em, chị N.Th.Th, than thở: Tôi lo đi làm ăn suốt cả ngày để kiếm tiền cho nó ăn học, nhưng nó vẫn không chịu học. Không đi học chữ được nữa thì đi học nghề, biết làm răng chừ!

Ông Phan Minh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, trong số 36 học sinh bỏ học này, đều thuộc diện học sinh yếu kém, lưu ban nhiều năm. Tuyệt nhiên, không có trường hợp học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường miễn giảm học phí, đồng thời tham mưu cho chính quyền hỗ trợ sách vở, áo quần để các em đến trường. Ông Phan Lợi, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội UBND phường Hòa Khánh Bắc ngán ngẩm: Các ban, ngành, đoàn thể của phường đã ráo riết vào cuộc để vận động các em trở lại trường, nhưng đều nhận được câu trả lời từ phía các em: Con học không nổi nữa.

Các biện pháp ngăn chặn

Tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ, phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cũng có 12 học sinh các lớp 6, 7 và 8 bỏ học sau dịp hè năm học 2007-2008, do sức học quá yếu. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã tìm đủ mọi cách để đến nhà “động viên” các em đi học, nhưng chỉ có 1 em chịu trở lại trường. Để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học trong năm học mới, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Công Trứ tiến hành khảo sát chất lượng, phân loại học sinh. Theo đó, những học sinh có học lực yếu kém, nhà trường tổ chức phụ đạo để các em bổ khuyết kiến thức. Một mặt, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, kích thích tinh thần hăng say trong học tập của các em.

Ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, ngay từ đầu năm học 2008-2009, Phòng Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo các trường khảo sát, phân loại học sinh. Trên cơ sở đó, tổ chức các lớp học phụ đạo tại các hội trường nhà văn hóa UBND phường để bổ khuyết kiến thức cho các em. Nhờ vậy, từ đầu năm học 2008-2009 đến nay, trên địa bàn quận chỉ có 1 trường hợp học sinh bỏ học và nhà trường đang phối hợp với chính quyền địa phương vận động em này ra lớp.

Trao đổi với chúng tôi, một số lãnh đạo các Phòng Giáo dục-Đào tạo cho rằng, tỷ lệ học sinh bỏ học như trên là dưới “ngưỡng” cho phép. Tuy nhiên, để ngăn chặn học sinh bỏ học, bên cạnh sự nỗ lực của ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của phụ huynh chăm lo việc học tập của con em mình; hỗ trợ điều kiện cho các em được tiếp tục đến trường. Có như vậy chúng ta mới kịp thời bổ khuyết kiến thức cho những học sinh yếu kém để các em có cơ sở trở lại trường học.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.