Đến năm 2015, Việt Nam đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực; giai đoạn 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đó là mục tiêu chung của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến năm 2015, có 5% cán bộ công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên
Theo đề án, sẽ triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học cho 100% sinh viên vào năm 2019-2020; phấn đấu có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên vào năm 2015 và đạt 30% vào năm 2020.
Đề án đề ra những nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Xây dựng và ban hành khung trình độ năng lực ngoại ngữ thống nhất, chi tiết, gồm 6 bậc, tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng để làm căn cứ biên soạn chương trình, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học.
Xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc: tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1 theo KNLNN (Khung năng lực ngoại ngữ do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành); tốt nghiệp trung học đạt trình độ bậc 2; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trình độ bậc 3 theo KNLNN.
Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo KNLNN sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tại một số trường trung học phổ thông sẽ xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho môn Toán và một số môn phù hợp.
Cũng theo đề án này, sinh viên trung cấp và dạy nghề sẽ tối thiểu đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo KNLNN (trường nghề) và bậc 3 theo KNLNN (trung cấp chuyên nghiệp).
Đối với giáo dục đại học, áp dụng đào tạo ngoại ngữ cho hai nhóm đối tượng chính (nhóm học chương trình ngoại ngữ 7 năm ở phổ thông và nhóm học chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông). Sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngữ phải có kiến thức đạt trình độ bậc 4 (cao đẳng) và bậc 5 (đại học) và bắt buộc người học phải đồng thời được đào tạo 2 ngoại ngữ trong một khóa đào tạo. Đối với các cơ sở giáo dục đại học không chuyên ngữ, sinh viên tốt nghiệp phải tối thiểu đạt trình độ bậc 3 theo KNLNN.
Tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất dạy và học ngoại ngữ
Để thực hiện mục tiêu đề ra, trước hết cần tổ chức rà soát, đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục trong cả nước. Trên cơ sở đó, đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trong tất cả các cấp học. Đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Khuyến khích bồi dưỡng giáo viên qua các khóa tập huấn quốc tế trong nước và nước ngoài, được cấp chứng chỉ quốc tế. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng, phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ trình độ cao đẳng trở lên ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên...
Khuyến khích mạnh mẽ, tạo cơ chế thuận lợi để các trường liên kết trong việc học và dạy ngoại ngữ với đối tác nước ngoài. Thu hút sự giúp đỡ của các tổ chức, giáo viên tình nguyện có chất lượng của những nước nói tiếng Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc.
Một biện pháp quan trọng nữa trong việc học và dạy ngoại ngữ, đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học ngoại ngữ. Tiến tới đảm bảo 100% các trường tham gia đề án đều có phòng học tiếng nước ngoài và có phòng nghe nhìn. Phấn đấu từ nay đến năm 2015 tổ chức được cho 100% số giáo viên ngoại ngữ của các trường cao đẳng, đại học và một bộ phận giáo viên ngoại ngữ của các trường phổ thông, dạy nghề... được đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn hoặc dài hạn ở nước ngoài.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ
.
.
Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân
Thứ Năm, 02/10/2008, 11:30 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.