.

Đội ngũ cán bộ y tế trường học: Thiếu nhiều!

.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế ở các trường học thiếu trầm trọng. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh không bảo đảm, trở thành mối lo đối với các bậc phụ huynh khi con em họ học ở trường.

Chủ yếu là kiêm nhiệm

Học sinh hiếu động chạy nhảy rất dễ xảy ra tai nạn, tuy vậy, nhiều trường học vẫn không có cán bộ chuyên trách về y tế để thực hiện việc sơ cấp cứu an toàn cho các em. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THCS Nguyễn Bá Phát trong giờ ra chơi.

Năm học 2008-2009, Trường THCS Nguyễn Bá Phát, xã Hòa Liên (Hòa Vang) có hơn 1.000 học sinh theo học, nhưng nhà trường không có cán bộ y tế và phòng y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Để “chữa cháy”, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Bá Phát nhờ một cán bộ y tế của Trường tiểu học số 2 Hòa Liên kiêm luôn nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và học sinh của trường. Một mình phải đảm nhận công việc của 2 trường, nên cô cán bộ làm công tác y tế chỉ làm việc ở mỗi trường được 3 ngày/tuần. Còn những ngày khác, cán bộ văn thư của Trường THCS Nguyễn Bá Phát phụ trách công tác y tế.

Không chỉ thiếu cán bộ y tế, tủ thuốc để phục vụ công tác sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh của Trường THCS Nguyễn Bá Phát cũng thiếu trước, hụt sau. Do không có phòng y tế, tủ thuốc đặt trong phòng làm việc của Phó hiệu trưởng nhà trường. Bên trong tủ thuốc cũng chỉ có vài cuộn băng gạc, ôxy già, bông gòn, dầu gió, thuốc đau bụng. Ông Nguyễn Quang Hân, Hiệu trưởng nhà trường nói: Những lúc không có nhân viên y tế, nếu học sinh, giáo viên bị đau bụng, tai nạn... cán bộ văn thư sẽ sơ cứu hoặc cấp phát thuốc! Nhằm bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã kiến nghị Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cử cán bộ chuyên trách y tế về làm việc nhưng vẫn không có.


 

Bà Phan Thị Hòa (ảnh), Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và y tế trường học cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các trường học báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, trong năm học 2007-2008, toàn thành phố có 6.944 học sinh bị các loại bệnh, trong đó, nhiều nhất là đau bụng: 1.122 trường hợp, tiêu chảy: 422, ngất xỉu: 951, tai nạn: 370. Tổng số học sinh chuyển đi bệnh viện là 197 em.

 
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Hiền hiện cũng không có cán bộ chuyên trách y tế và phòng y tế. Bởi vậy, cán bộ giáo vụ Nguyễn Thị Tường Kha kiêm luôn công tác y tế của nhà trường. Được biết, từ đầu năm học 2008-2009 đến nay, Trường THPT Nguyễn Hiền đã xảy ra 7 trường hợp học sinh bị đau bụng, tụt canxi... và đều do cô Kha xử lý. Ông Phạm Úc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền lo lắng: Nhà trường có hơn 2.300 học sinh theo học, vì vậy rất cần có cán bộ chuyên trách về y tế để bảo đảm sức khỏe học sinh.

Bao giờ trường học có đủ cán bộ y tế?

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2008 của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng, toàn thành phố có 142 trường mầm non, trong đó 20 trường có phòng y tế và 9 cán bộ y tế; 96 trường tiểu học có 78 phòng y tế và 59 cán bộ y tế; 49 trường THCS có 32 phòng y tế và 9 cán bộ y tế; 20 trường THPT có 16 phòng y tế và 16 cán bộ y tế.

 

Tại điều 27 của “Quy định về vệ sinh trường học” (Ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18-4-2000) của Bộ Y tế nêu rõ: “Trường học phải có phòng y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Trong phòng được trang bị đầy đủ các dụng cụ y tế, thuốc men do y tế địa phương hướng dẫn”.

 
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Hòa, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và y tế trường học nhận xét: Đội ngũ cán bộ làm công tác y tế và thuốc men được trang bị tại các trường học hiện nay là không bảo đảm công tác sơ cấp cứu ban đầu đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, nếu không may có sự cố bất trắc xảy ra. Trước thực trạng này, ngành Giáo dục-Đào tạo cần kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách và đầu tư kinh phí mua sắm thuốc men, dụng cụ sơ cấp cứu tại các trường học, qua đó thực hiện thường xuyên công tác quản lý, khám sức khỏe học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, để giải quyết vấn đề này, trong thời gian đến, ngành Giáo dục-Đào tạo sẽ phối hợp cùng các ngành Y tế, Nội vụ, Tài chính rà soát lại đội ngũ cán bộ y tế tại các trường học. Qua đó, sẽ đào tạo lại, bổ sung đội ngũ cán bộ y tế kịp thời, nhằm bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ, giáo viên và học sinh.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.