Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện cuộc vận động “2 không”: “Không tiêu cực trong thi cử và không bệnh thành tích trong giáo dục” thì ở Đà Nẵng cũng như trong cả nước rộ lên tình trạng học sinh bỏ học. Nguyên nhân chính là các em bị hổng kiến thức, học kém, không tiếp thu được bài vở. Em Huỳnh Ngọc Trung, học sinh lớp 8/4 Trường THCS Nguyễn Chí Thanh bỏ học nửa chừng cũng vì lý do đó...
Để học sinh chăm chú học tập, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ giáo viên. (Ảnh có tính chất minh họa) |
Em cũng được nhiều điểm 10, nhưng thực chất chỉ học trung bình. Khi lên lớp 6, kiến thức của Trung hầu như không có, những bài toán cơ bản không làm được, văn miêu tả thì không biết cách. Dù vậy, em vẫn lên được lớp 7, rồi lớp 8. Trung đi học chỉ như đi chơi, bởi một khi đã mất kiến thức căn bản, em sẽ không thể nắm được kiến thức mới. Lỗ hổng kiến thức của Trung ngày càng sâu và tất cả những gì thầy cô giáo dạy chỉ như “nước đổ lá môn”.
Không hiểu bài, làm bài tập không được, thua kém bạn bè, Trung bắt đầu nản. Một điều thường gặp ở những học sinh yếu kém như Trung là khi đã không hiểu thì “giả điếc” luôn, nghĩa là không hiểu cũng chẳng cần hỏi. Nguyên nhân theo Trung cho biết, khi hỏi lại đụng đến kiến thức cũ, cô thầy hỏi ngược lại. Lúc đó lòi cái dốt ra trước bạn bè, càng bẽ mặt hơn. Vì vậy, cách học tốt nhất của Trung là không nghe, không thấy, không biết, an phận với học lực của mình.
Trung tâm sự: Lên học lớp 8, em không còn biết gì nữa. Thầy cô giảng bài, em ngồi như “vịt nghe sấm”. Cứ ngồi học là em buồn ngủ. Em rất chán! Nếu trước đây học yếu nhưng giỏi quay cóp thì cũng được lên lớp, bây giờ thì khác. Với sức học của mình, cho em thi lại mấy cũng không qua. Em biết chữ nào đâu mà thi! Kết thúc năm học lớp 8, Trung bị thi lại hầu hết các môn học. Bước vào năm học mới (2008-2009), do thi lại không qua nên Trung bị lưu ban. Chán nản, Trung quyết định bỏ học.
Khi chúng tôi hỏi, nếu cho em lên học lớp 9 em có đi không? Trung trả lời cụt lủn: Không. Biết gì mà đi! Trung nói tiếp: Sức học của em kha khá một chút thì đời nào em bỏ học. Nếu như trước đây em học đường hoàng thì bây giờ không đến nỗi. Vì hổng kiến thức mà em mất luôn việc học hành! Câu nói của Trung chứng tỏ em vẫn còn muốn học, nhưng do kiến thức không có nên em không dám đến trường. Trung còn cho biết: Bây giờ ở nhà, bố mẹ cho làm gì thì làm nấy, chứ em không xác định mình sẽ làm gì. Bố mẹ dự định cho đi học nghề cắt tóc để mưu sinh...
Tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, đầu năm học 2008-2009, có 34 học sinh bỏ học. Ông Đinh Viết Khải - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh cho hay: Nguyên nhân học sinh bỏ học là do học lực các em quá yếu... Nhà trường cũng có những biện pháp nhằm đưa các em đến trường như phối hợp cùng các ngành, đoàn thể đến tận nơi vận động. Đầu năm cũng vận động được 9 em đi học lại. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn có 2 học sinh lại tiếp tục bỏ học.
Để giúp các em học lực yếu học tốt hơn, trước đây nhà trường đã tách riêng những học sinh yếu kém ra học một lớp. Nhưng kết quả không khả quan vì các em “chăm” tụm năm tụm bảy nói chuyện hơn là ngồi nghe giảng bài, làm giáo viên thấy nản...
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Bá Bảo - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà nói: Học sinh bỏ học có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là vì các em học yếu... Tuy nhiên, không thể chối bỏ trách nhiệm một phần cũng thuộc về nhà trường, về giáo viên. Nhiều trường chưa thực sự tạo được sức hút đối với học sinh; giáo viên chưa có sự quan tâm đồng đều học trò, nhất là những em yếu kém. Một số trường chưa tích cực trong việc vận động học sinh bỏ học đến lớp, bởi họ sợ một số học sinh cá biệt trở lại học sẽ lôi kéo học sinh khác hư hỏng theo...
Việc học sinh đổ lỗi cho sự hổng kiến thức, thua kém bạn bè cùng trang lứa để nghỉ học rất cần được ngành Giáo dục-Đào tạo nhìn nhận lại. Các thầy, cô phải thực sự quan tâm để các em không bị hổng kiến thức ngay từ đầu, dẫn đến “buông xuôi” một khi bị xếp vào dạng cá biệt. Với những em bỏ học giữa chừng như Trung, gia đình và nhà trường cần tích cực vận động để các em ra lớp, thầy cô giáo phụ đạo thêm nhằm giúp các em lấy lại kiến thức cũ, có cơ sở tiếp nhận kiến thức mới.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ