.

Phong trào khuyến học ở Thanh Bình

.

Ở phường Thanh Bình (quận Hải Châu), từ Đảng ủy, chính quyền đến các ban, ngành, đoàn thể, nhà thờ, nhà chùa... đều có những hoạt động khuyến học rất đa dạng và đạt hiệu quả thiết thực.

Tặng vở cho học sinh con hộ nghèo ở phường Thanh Bình.

Phong trào khuyến học ở Thanh Bình đã có từ lâu và phát triển mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, từ đầu năm 2006, khi Đảng ủy phường có Nghị quyết chuyên đề về công tác khuyến học thì các hoạt động giúp đỡ học sinh khó khăn, khen thưởng học sinh giỏi càng phát triển rầm rộ... Nhiều cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm nhận bảo trợ dài hạn đối với học sinh mồ côi nghèo cả về vật chất và tinh thần.
 
Có những người tuy kinh tế chưa dư dả, nhưng với lòng nhân ái cao cả, đã kết hợp nhau để bảo trợ. Cựu chiến binh Lê Trung Bật (tổ 16) và ông Nguyễn Việt Sỹ (tổ 17) đã cùng nhau bảo trợ cho cháu Lê Văn Xỉn ở tổ 9. Cha cháu Xỉn mất sớm, mẹ đi làm tạp dịch nuôi cả gia đình và ông bà ngoại nên việc học tập của Xỉn gặp nhiều khó khăn. Năm nay, Xỉn học lớp 10 tại Trường THPT Diên Hồng, hồ hởi nói với chúng tôi: Từ ngày có chú Bật và chú Sỹ giúp đỡ, cháu đã có đủ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và học lực của cháu cũng khá hơn.

Ông Trần Văn Nguyện - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường và ông Ngô Đức Minh làm nghề xây dựng phối hợp bảo trợ cháu Phạm Văn Nghĩa ở tổ 17 học hết bậc trung học. Mẹ của Nghĩa là chị Bùi Thị Hòa quê Quảng Ngãi, đang ở nhờ nhà người bà con, ngày ngày bán vé số kiếm sống. Nghĩa năm nay học lớp 6 tại Trường THCS Lê Hồng Phong, nhờ có khoản tiền bảo trợ mỗi năm 600.000 đồng, cháu mua sắm đủ các loại học cụ và kết quả học tập ngày càng tiến bộ.

Các đảng viên chi bộ Hải Hà 2 tự nguyện đóng góp bảo trợ cháu Nguyễn Hữu Nhật Trường với tinh thần “học đến đâu sẽ bảo trợ đến đó”. Trường không còn bố mẹ, đang ở với bà ngoại, trước đây đi học trong cảnh thiếu trước hụt sau. Từ ngày được bảo trợ, cháu học khá lên rõ rệt và đang học năm đầu tiên của bậc THPT...

Hội Khuyến học phường Thanh Bình thể hiện tốt vai trò cầu nối từ những tấm lòng vàng đến với các học sinh mồ côi nghèo. Cháu Lê Văn Hùng có cha làm phường đội trưởng, vốn là học sinh khá tại Trường tiểu học Trần Thị Lý, nhưng từ khi cha mất thì học hành sa sút vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Thấy vậy, Hội Khuyến học phường đã vận động bà chủ doanh nghiệp Phạm Thị Phương Khuê (ở khu vực Thanh Sơn) nhận bảo trợ dài hạn.

Có những gia đình cán bộ hưu trí đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn hăng hái tham gia hoạt động bảo trợ. Các hộ ông Võ Phúc Tiên, Trần Ngọc Chánh, bà Trần Thị Thanh... đều đặn mỗi tháng bớt lương hưu 50.000 đồng để giúp 3 cháu mồ côi.

Các trường học, ban, ngành, đoàn thể, nhà thờ, nhà chùa trên địa bàn phường cũng tham gia công tác khuyến học với nhiều hình thức phong phú, mang tính nhân đạo. Trường tiểu học Lê Hồng Phong năm nào cũng tổ chức lớp phụ đạo miễn phí cho học sinh nghèo. Cán bộ - giáo viên khối mầm non hằng tháng đóng góp 600.000 đồng để hỗ trợ cho 4 học sinh nghèo.

Nhà thờ Nội Hà vận động giáo dân ủng hộ kinh phí để giúp 30 học sinh nghèo, mỗi em từ 50.000 - 100.000 đồng/tháng. Ban Trị sự chùa Thanh Bình năm nào cũng hỗ trợ cho 5 học sinh nghèo, mỗi em 600.000 đồng. Hội Tù yêu nước phối hợp với Hội Khuyến học hằng năm vận động tài chính tặng quà, phát thưởng gần 10 triệu đồng. Mỗi dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới, Ủy ban Mặt trận phường vận động ủng hộ hàng trăm suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nổi bật là khu dân cư Hải Hà 1 đã thành lập một CLB Gia đình hiếu học thu hút gần 180 hội viên tham gia, với tiêu chí là phấn đấu thực hiện Gia đình Học tốt, Làm tốt và Sống tốt. Đồng chí Võ Thị Sáu - Bí thư chi bộ trực tiếp làm chủ nhiệm CLB cho biết, từ hoạt động của CLB đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc chăm lo học hành cho con cháu. Các em học yếu đã được sự quan tâm nhiều hơn từ bố mẹ và cộng đồng, những gia đình giàu có đã nhiệt tình hơn trong việc giúp đỡ cho học sinh nghèo khó... 
          
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.