.

Sách sai, ai chịu?

.

Sách giáo khoa (SGK) là bộ sách giáo dục học sinh ở bậc phổ thông, Nhà nước đặc biệt coi trọng công việc biên soạn SGK, vì đây là bộ sách để “trồng người”. Đành rằng, phàm làm việc gì mà chẳng có sai sót, nhưng sai sót trong việc xuất bản SGK hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách trước khi in hàng loạt để phát hành buộc phải tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, những giáo viên lâu năm...
 

Đơn giản hơn là đọc kỹ, rà soát lại để xử lý toàn bộ các sai sót trước khi đưa vào nhà in. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT có cả một Nhà xuất bản Giáo dục, có các Vụ chuyên trách và nhiều cơ quan chuyên lo cho SGK, với một đội ngũ đông đảo tập hợp toàn tinh hoa của ngành, ấy vậy mà không hiểu sao năm học mới đã trôi qua gần tháng trời, đến nay lại phải đính chính SGK bằng cách in những tờ rời chỉ sửa 2-3 lỗi/cuốn sách phát cho học sinh (xem ảnh), chứ không phải là trang đính chính kèm phía sau cuốn sách như trước đây. Vì sao lại có tình trạng này?

Là phụ huynh có con em vừa bước vào năm học mới, chúng tôi thấy còn một nhóm lỗi nữa, đó là lỗi thiếu trách nhiệm trong công cuộc “trồng người”. Hàng triệu học sinh của năm học này sẽ phải tự sửa bằng tay vào sách học của mình. Việc của người lớn, con trẻ lãnh đủ. Với những lỗi như vậy mà lại giao cho học sinh “tự sửa chữa vào cuốn SGK của mình”, các em sẽ nghĩ gì khi hằng ngày phải vật lộn với những cuốn SGK bị bôi xóa lem nhem.

Một bộ sách phải đính chính nhiều chỗ đích thị là “hàng” kém phẩm chất. Điều đó bất cứ ai hoạt động trong ngành xuất bản cũng biết. Nếu không phải là SGK, chắc chắn phải giảm giá theo quy luật của thị trường, thậm chí phải bán đổ bán tháo với giá phế liệu; nhưng vì là SGK nên dù kém phẩm chất, nó vẫn nghiễm nhiên được bán ra thị trường mà người tiêu dùng không có quyền từ chối! Nghịch lý đó chỉ có thể tồn tại trong cơ chế độc quyền. Không phải cứ in ra, thấy còn sót lỗi thì mới chỉnh sửa và đính chính.

Để con em chúng ta có một môi trường giáo dục tốt và đỡ vất vả, nhất thiết những người có trách nhiệm trong việc biên soạn và phát hành SGK cần phải có tấm lòng và trách nhiệm với phần việc của mình.

MINH TRANG

;
.
.
.
.
.