.
SINH VIÊN VAY VỐN

Mừng và lo!

.

Cầm 4 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang, bà Trần Thị Bền (thôn 14, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nhẩm tính: “Mỗi học kỳ, Nhà nước cho vay 4 triệu đồng, như vậy 5 năm học là 10 kỳ thì số tiền phải vay sẽ lên đến 40 triệu đồng. Nợ nhiều lo lắm, nếu ra trường không kiếm được việc làm ngay lấy đâu ra mà trả nợ. Nhưng không có chính sách của Nhà nước cho sinh viên nghèo vay vốn, chắc có lẽ…”.

“Con đỗ đại học, mẹ rơi nước mắt…”

Mỗi học kỳ, bà Trần Thị Bền lại đến NHCSXH huyện Hòa Vang để vay tiền cho con học đại học.

Nhớ lại 2 năm về trước, bà Trần Thị Bền lại ứa nước mắt: “Ngày thằng Trinh nhà tui nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, lúc đó cô, bác cùng bà con làng xóm đến chia vui, chúc mừng. Khi nghe tin con trai đỗ đại học, vợ chồng tui mừng nhưng cứ canh cánh trong lòng. Nhiều đêm nghĩ quẩn, giá như con không đỗ đại học có khi lại… Bây chừ 5 năm ăn học biết lấy đâu ra tiền. Cuộc sống gia đình chỉ trông vào 4 sào ruộng, nuôi con heo, con gà, con vịt… và nuôi thuê 2 con bò. Có năm nuôi bò thuê, bò không sinh sản, coi như nuôi giùm người ta”.
 
Bà Bền kể tiếp: “Ngày thằng Trinh nhập trường, gia đình phải bán heo, gà, thóc… cộng thêm chút tiền mà nó kiếm được từ việc làm thuê làm mướn trong thời gian đợi nhập trường. Học hết tháng thứ nhất, nó về nhà xin ba mẹ vài trăm ngàn để chi tiêu ăn uống.  Gia đình lại phải chạy vạy khắp nơi vay mượn từ họ hàng, bà con làng xóm, để rồi bán heo, gà trả nợ sau. Bước sang học kỳ 2 của năm thứ nhất, liền một lúc nó xin hơn một triệu đồng để đóng học phí.
 
Lúc này vợ chồng tui “quáng gà” vì không biết đi vay ở đâu được. Heo thì chưa lớn, trong nhà không có một thứ gì đáng giá để có thể bán được. Định khuyên con nên bỏ học đi làm công nhân, nhưng được tin Nhà nước có chính sách cho sinh viên nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi, thằng Trinh và vợ chồng tui mừng lắm. Được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hòa Vang  hướng dẫn cách làm thủ tục vay vốn, nhờ vậy con trai tui chừ đã là sinh viên năm thứ 2 rồi”.

Dù hoàn cảnh gia đình bà Bền đã khó khăn, nhưng xem ra trường hợp của em T. (người cùng thôn), hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng còn khó khăn gấp bội. Cha mất do tai nạn giao thông, mẹ mất do căn bệnh ưng thư. Gần 2 năm học đại học, từ tiền ăn đến tiền học, tiền trọ… đều trông vào đồng lương ít ỏi của bà nội.
 
Nhiều lúc thấy bà già yếu, có được chút tiền lương hưu cũng không dám ăn để lấy tiền nuôi mình ăn học, T. thấy thương bà lắm nhưng biết làm sao được. Học gần hết năm thứ 2, T. mới biết có chính sách cho sinh viên nghèo vay vốn, nhưng khổ nỗi ba mẹ đã mất nên không biết cậy nhờ ai đi làm thủ tục vay vốn ở ngân hàng.

Lo trả nợ

Được vay vốn ưu đãi để học tập, các gia đình nghèo có con ăn học đại học đã bớt được gánh nặng đi phần nào. Với Phương Linh (quê Thái Bình), sinh viên khoa Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng vừa học vừa lo mỗi khi học kỳ mới đến, gia đình Linh lại phải đi vay nóng để có tiền cho Linh đóng học phí. Được bạn mách bảo, Linh viết thư về cho cha mẹ để làm thủ tục vay vốn lại không phải thế chấp, cha mẹ Linh rất mừng, nhưng vẫn còn ngần ngại và lo lắng: Với số tiền vay lớn như vậy, sau này ra trường với đồng lương ít ỏi, con có trả nợ được không?

Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang cho biết: Đến thời điểm này, ngân hàng đã giải ngân gần 6 tỷ đồng từ nguồn vốn vay sinh viên cho trên 700 hộ gia đình nghèo khó trên địa bàn. Thủ tục vay vốn đã đơn giản hơn: Đối với sinh viên là thành viên của hộ gia đình, người vay viết giấy đề nghị vay vốn kèm theo Giấy xác nhận của nhà trường hoặc Giấy báo nhập học gửi Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV). Nếu xét đủ điều kiện, Tổ TKVV sẽ gửi cho NHCSXH để xem xét cho vay. Đối với sinh viên mồ côi, các em chỉ cần viết giấy đề nghị vay vốn kèm theo Giấy xác nhận của nhà trường gửi NHCSXH nơi địa bàn nhà trường đóng trụ sở để xem xét cho vay.

Cho sinh viên nghèo được vay vốn là một trong những chính sách của Nhà nước nhằm thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ và tạo cơ hội cho các sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để trang trải chi phí sinh hoạt, học tập tại trường. Nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn có nguy cơ phải nghỉ học, nhờ được vay vốn đã tiếp tục theo học để sau này đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.