.
Sự cố “lệch thang điểm” tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng:

Không buộc sinh viên thôi học!

.

(ĐNĐT) - Dư luận gần đây có thông tin về sự cố áp dụng cách tính điểm tín chỉ mới theo Quy chế 43 Bộ GD-ĐT dẫn đến khả năng hơn 1.000 sinh viên năm 1 và 2 Đại học Bách Khoa Đà Nẵng sẽ bị buộc thôi học. Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đã trao đổi với phóng viên báo Đà Nẵng Điện tử một số nội dung liên quan vấn đề này để làm rõ ràng thông tin đến công luận. Giáo sư Ga cho biết:

* Không hề buộc thôi học!

Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Bùi Văn Ga.
Sự cố này không hoàn toàn như các thông tin đã đưa là đến nay vẫn chờ chỉ đạo của Đại học Đà Nẵng, mà tôi khẳng định rằng, vấn đề đã được giải quyết xong. Đến hôm nay (17-10 - PV), các sinh viên bị lệch thang điểm đánh giá tại Đại học Bách Khoa vẫn học tập bình thường và chắc chắn không có chuyện buộc thôi học sinh viên nào từ sự cố này. Chúng tôi, ban lãnh đạo Đại học Đà Nẵng thống nhất, chỉ có những sinh viên không có điểm các môn do không đi học hay không đăng ký học đủ tín chỉ yêu cầu, thì mới phải thôi học. Điều này không liên quan gì việc có sự lệch thang điểm giữa quy chế mới và quy chế niên khóa lâu nay. Sinh viên đi học mà không có điểm thi, không tham dự lớp học, thì theo thang điểm nào cũng phải cho nghỉ học!

Sự cố lệch thang điểm, từ hệ số thang điểm 10 lâu nay, qua thang điểm chữ theo quy chế 43, theo tôi hoàn toàn chỉ là sự việc mang tính cơ học, thuần túy nảy sinh trong quá trình chuyển đổi thủ tục cách đánh giá kết quả học tập. Trước đây, với lối tính điểm trung bình chung niên khóa, sinh viên chỉ cần đủ đạt điểm 5 trung bình ở mỗi học phần là hoàn thành môn. Cách này kém hiệu quả vì xóa nhòa ranh giới các môn học, trộn lẫn nhau khiến sinh viên có thể xem nhẹ môn này, tập trung môn kia; chỉ cần các môn chính điểm cao còn các học phần khác không cần nỗ lực.

Với thang điểm theo quy chế 43, việc hoàn thành tín chỉ từng môn phải đạt trên trung bình, các môn có tính tách biệt nên chỉ 1 môn không đạt sẽ kéo thành tích chung xuống không đạt. Đây là cách tính điểm hợp lý, đã được các nước áp dụng từ lâu trong hệ thống tín chỉ giáo dục, mà chúng ta bây giờ mới áp dụng. Tôi cho rằng cách làm này rất cần thiết để hoàn thiện hệ thống đào tạo tín chỉ hiện nay, và việc áp dụng quy chế 43 là rất đúng.

* Liệu có hợp lý ?

Vấn đề ở chỗ tại sao việc đổi thang điểm lại nảy sinh lệch? Điều này thuộc về tập quán cho điểm và học tập, không riêng gì ở Đại học Bách khoa mà hệ thống đào tạo Đại học đều đang vướng. Riêng ở Đại học Bách khoa, lâu nay có quan niệm cho điểm rất khắt khe, các giảng viên dù có hài lòng với kết quả bài thi vẫn chỉ cho điểm 7 – 8, chứ không rộng rãi. Do đó, với những bài trung bình, có giáo viên chỉ cho 4,5 – 5 điểm để đạt điểm trung bình môn theo thang điểm 10, tỏ rõ sự nghiêm khắc với các sinh viên “học lệch”.

Bây giờ đối chiếu theo hệ số mới, thang điểm đạt phải là trên 5,4 với mỗi môn học, thì dĩ nhiên sinh viên có điểm trung bình đạt mà nhiều môn sẽ không đạt, chỉ ở mức 4 điểm. Trong khi đó, đa số sinh viên lại mới tiếp cận chương trình tín chỉ, tự xây dựng học phần, nên sốt sắng gộp các môn không quan trọng lại đăng ký học ngay, dồn thời gian cho các môn chính. Sự nắm bắt của họ theo đó hạn chế, tâm lý lại chỉ mong trung bình, nên kết quả thi không cao. Hậu quả là theo thang điểm mới, đa số đều không đạt.

Nhưng cá nhân tôi thì đánh giá cao những giá suy nghĩ của họ, đã bắt nhịp được với đào tạo tín chỉ. Việc gộp môn để rút ngắn thì giờ ở các nước là bình thường, và chỉ có những sinh viên quan tâm học tập chuyên môn mới làm như thế. Nên dù họ không đạt điểm cao, thì thay vì phê bình, tôi có thể khen họ. Họ không có lỗi, chỉ là do thay đổi một cách cơ học cách tính thang điểm nên mới phát sinh lỗi.

Cái chính là phải giúp họ thay đổi tư duy về thang điểm học tập như thế, không nên bỏ qua cơ hội học tốt với bất kỳ tín chỉ nào, họ mới có kết quả tốt nhất.

* Sẽ góp ý với Quy chế

Chúng tôi hiện nay đang báo cáo vấn đề với Bộ GD-ĐT, và cũng nêu rõ các kiến nghị để góp phần hiệu chỉnh lại quy chế 43. Phải thấy rằng, 1 quy chế mới ban hành, có ảnh hưởng đến hàng triệu sinh viên học sinh cả nước, thì không phải hoàn thiện ngay, trọn vẹn ngay. Cần có thời gian cọ xát, nhất là đưa cách hiểu đúng, cách làm đúng, linh hoạt hơn thay vì máy móc giấy tờ, vào cách áp dụng quy chế ấy, chúng ta mới tạo nên được 1 môi trường đào tạo chất lượng hơn. Những điểm chưa hài hòa, chưa thông suốt trong quy chế, kiến nghị sửa là cần thiết.

Đơn cử theo quy chế, các sinh viên chỉ cần không đủ điểm hệ số từ lần đầu tiên đã bị buộc thôi học. Theo chúng tôi, đó là không hợp lý. Cách đào tạo trước có sinh viên thi lại đến 3 lần mới xem xét việc đánh giá kết quả học tập. Nếu theo quy chế mới, chỉ hỏng điểm 1 lần đã dừng họ lại, thì rất không hay. Chúng tôi đang kiến nghị điều này, để tạo thêm cơ hội cho các sinh viên có năng lực thật sự được đào tạo tốt hơn.

Thụy Bất Nhi (ghi)

;
.
.
.
.
.