.

Thầy Phan Khôi của học trò nghèo

.

Sống trên cõi đời, có những con người tự tìm cho mình một thú vui riêng trong cuộc sống. Ông Phan Khôi cũng có cái thú riêng của mình. Nhưng không giống ai, thú vui của ông là mang nụ cười và niềm hạnh phúc đến cho người khác. Không chức tước cao sang, ông đã âm thầm cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục, cho những con người nghèo hiếu học tại quê nhà....

Lật từng trang nhật ký để nhớ lại những việc đã làm.

Chúng tôi đến thăm ông Phan Khôi vào một buổi chiều cuối tháng 9 tại căn nhà nhỏ ở số 72 đường Trần Bình Trọng (quận Hải Châu). Căn nhà chật chội, bộn về với sách vở, giấy tờ làm việc của ông. Gác lại tất cả những công việc buổi chiều, ông ngồi trò chuyện với chúng tôi như một người bạn lâu ngày gặp lại. Đã ở tuổi thượng thọ nhưng ông chưa cho mình già bởi theo ông: “Khi nào tôi già chính là lúc tôi không còn đi được, không còn làm việc được nữa”.

Suốt cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, dường như trong ông chưa bao giờ nghĩ cho riêng bản thân mình. Ông tâm sự: Những năm tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng còn nghèo, nhiều gia đình không có đủ tiền cho con em đi học, tôi muốn lập ra Hội Khuyến học để động viên, tạo điều kiện cho học sinh nghèo học tập. Nhưng không ai đồng ý vì lúc đó chưa có phong trào này...

Tuy nhiên, bằng lòng nhiệt huyết của mình, dù khó khăn nhưng ông Khôi đã thực hiện được tâm nguyện ấy. Tự tham gia khởi xướng và xây dựng Hội Khuyến học, ông cũng tự tay tìm nguồn kinh phí để hoạt động. Chạy khắp nơi, viết thư đi nhiều nước để tìm nguồn tài trợ. Qua nhiều năm, nguồn kinh phí khuyến học đã lên đến bạc tỷ. Ông không bao giờ và không cho ai lấy nguồn kinh phí đó để sử dụng vào mục đích khác.

Ông nói: Đã gọi là khuyến học, nguồn tiền kiếm được phải phục vụ cho khuyến học, cho việc học tập của học sinh, nhất là học sinh nghèo... Ông về tận địa phương, trường học tìm kiếm những gia đình khó khăn để giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em học tập; động viên kịp thời những sinh viên nghèo học giỏi bằng nguồn học bổng hằng năm. Nhờ đó mà hàng trăm học sinh tưởng chừng như không thể đến trường, nhờ sự giúp đỡ của ông, chuyện học đã không bị gác lại.

 Giở cuốn nhật ký dày cộm, tôi không thể đếm xuể những địa chỉ, những học sinh đã được sự hỗ trợ học phí, trợ cấp học bổng và giúp đỡ sách vở từ chính đôi tay của ông. Nhớ lại lúc còn là giáo viên trường Trần Quý Cáp, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ, có một học sinh tên là Thành nhà quá nghèo, ông đã giúp đỡ gạo cơm và tiền bạc để đến trường. Nhờ đó mà Thành đã học giỏi, nay là một người có vị trí quan trọng trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Mới đây, ông đã xúc động khi gặp trường hợp khó khăn của cô học trò tại Trường THCS Kim Đồng, thành phố Đà Nẵng. Nhà nghèo, không có sách vở đi học, áo quần rách rưới.
 
Ông cho biết, trong đời ông, đây là lần đầu tiên gặp một học trò thực sự nghèo và có thể nói là nghèo nhất thành phố. Ông tâm sự: Khi được tin, bản thân tôi đã nhiều lần đi khảo sát tại địa phương nơi gia đình cô bé đang sống. Thực sự cảm động bởi trong căn nhà ọp ẹp, trên bàn thờ hình ảnh người cha khắc khổ đã vĩnh viễn ra đi, người mẹ ngày ngày lam lũ ngoài chợ với nghề cạo vảy cá một ngày kiếm 5 đến 7 nghìn đồng lo cuộc sống gia đình. Tôi đã cung cấp đủ loại sách vở, và nhận dạy cho em vì thấy em học quá yếu...

Không chỉ chăm lo cho phong trào khuyến học ở Đà Nẵng mà hiện nay ông là Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Hội An. Mỗi năm tự ông hỗ trợ cho Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam 1 triệu đồng. Ông tâm sự: “Mình sinh ra tại Quảng Nam, ít nhiều mình cũng phải góp một chút sức mọn cho quê hương còn nghèo của mình chứ!”.

Ngoài công việc ngày ngày đi quyên góp ủng hộ, ông Phan Khôi còn là một người thầy, một vị “Giáo sư” đáng kính của học trò nghèo. Ông dạy không bao giờ lấy tiền của ai. Dạy vì trách nhiệm của cá nhân, của lương tâm bắt buộc phải dạy. Những học sinh nghèo được ông ưu tiên hàng đầu. Ông nói: Với tôi, học trò nghèo, hiếu học luôn được ưu tiên nhận dạy, chứ không phải con cái của bạn bè và người thân... Ông nhận dạy nhiều lớp mà học sinh tự tìm đến xin học.

Từ học sinh cấp 2 đến học sinh luyện thi Đại học, những học sinh, sinh viên có nhu cầu học ngoại ngữ để du học các nước. Ông sẵn sàng nhận dạy mà không quan tâm là học sinh đó ở xa hay gần, miễn là có thiện chí học tập và có tấm lòng thương thiện. Một ngày ông đứng giảng từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ mà môn nào ông cũng dạy cho học sinh từ yếu kém lên đến khá, giỏi. Những học sinh đi ôn thi đại học thì phải đỗ, học sinh du học thì phải phỏng vấn qua vòng ngoại ngữ...Suốt cuộc đời phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục, phần thưởng mà ông nhận được chính là sự kính trọng của bao lớp học trò dành cho ông.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.