.

Trường có nhiều học sinh bỏ học

.

Năm học 2008-2009, Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, quận Sơn Trà có tổng số 1.132 học sinh, nhưng theo con số thống kê từ UBND phường Nại Hiên Đông, đã có 67 em bỏ học ngay từ đầu năm.

Bốn năm học hai lớp

Lê Văn Hải (bên trái): “Em không muốn đến trường nữa, em muốn học nghề để đi làm”.

Trong số 67 học sinh bỏ học, có 31 học sinh khối lớp 6, 3 học sinh ở khối lớp 7, 21 em khối lớp 8 và 8 học sinh khối lớp 9 thuộc phường Nại Hiên Đông. Chỉ có 4 học sinh từ các địa phương khác đến học nhưng bỏ học giữa chừng. “Ngay từ đầu năm học mới, chúng tôi rà soát lại số học sinh của năm học trước đã bỏ học và số học sinh không đến lớp khi năm học mới bắt đầu.

Trước tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt, nhà trường đã bố trí giáo viên đứng lớp cùng Hội Phụ huynh học sinh xuống tận từng gia đình vận động các em ra lớp. Tuy nhiên, một số phụ huynh không hợp tác với nhà trường để động viên con cái đến lớp trở lại”, cô Phạm Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngọc Thạch than thở. Qua tìm hiểu, những học sinh bỏ học ngay từ đầu năm chủ yếu ở khối lớp 6 và khối lớp 8. Tập trung nhiều nhất là tổ 4 và tổ 12, phường Nại Hiên Đông.

Riêng tại tổ 12 đã có 2 học sinh là Lê Văn Rin, học lớp 8/8 và Lê Văn Hải, học lớp 6/9 của Trường THCS Phạm Ngọc Thạch bỏ học ngay từ đầu năm học. Qua lời kể của Rin, chúng tôi được biết, từ năm học lớp 1 đến lớp 5 bậc tiểu học, em luôn là học sinh tiên tiến. Tuy nhiên, khi lên lớp 6, do ham chơi nên đã mất dần kiến thức cơ bản, học lực sa sút. Kết quả đến năm học lớp 8 em đã thi lại 4 môn là văn, toán, sinh, hóa. Trong đợt thi lại cuối năm em đã ở lại lớp do không đạt điểm thi lại. Cha của Rin là anh Lê Văn Sanh theo nghề biển từ nhỏ. Anh cho biết, trong thời điểm Rin sa sút cũng là lúc anh thường xuyên vắng nhà do đi biển, không động viên con cái học tập được.

Còn đối với Lê Văn Hải thì việc học của em vốn đã trở ngại ngay từ đầu. Mới đây, khi Hải ở lại lớp 6 thì ba mẹ em để ở nhà cho đi học nghề. Mẹ của Hải, chị Hứa Thị Chiều nhìn con xót xa: “Hải sinh non và phải sử dụng biện pháp hút thai trong khi sinh nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến trí nhớ. Nó học tới đâu thì quên tới đó. Do vậy, khi vô lớp 1 cháu phải mất 2 năm mới lên lớp 2, và cũng mất 2 năm nữa cháu mới vào được lớp 3”.

Đó chỉ là hai trong số hàng chục học sinh bỏ học tại Trường Phạm Ngọc Thạch trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân chính dẫn đến bỏ học có thể thấy rằng một phần do các em ham chơi nên học lực sa sút, phải ở lại lớp. Cùng với đó là sự thiếu quan tâm của nhiều bậc cha mẹ.

Chính quyền địa phương nói gì?

Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Phương Mai và danh sách học sinh bỏ học của Trường THCS Phạm Ngọc Thạch.

Ông Trần Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông bức xúc cho biết: “Ngay khi nhà trường thông báo số học sinh của phường bỏ học, chúng tôi đã lập danh sách, rà soát và thông báo trên hệ thống loa phát thanh của phường để vận động các em ra lớp học. Sau đó, phường gửi giấy mời đến từng gia đình của học sinh bỏ học. Tuy nhiên, có đến 25 học sinh không muốn đi học trở lại và 7 phụ huynh đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí mua sách vở, dụng cụ học tập và nhà trường miễn giảm học phí. Nhưng trớ trêu là sau khi làm cam kết, UBND phường mời các phụ huynh lên nhận kinh phí hỗ trợ cho các em thì không một phụ huynh nào đến”.

Tình trạng học sinh bỏ học ở Trường Phạm Ngọc Thạch cần được sự quan tâm của các cơ quan chức năng nhằm tìm ra giải pháp khả thi không chỉ cho trường này, mà là yêu cầu chung ở nhiều địa phương.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.