.

Từ khuyến học đến xã hội học tập

.

Ngày 2-10-1996, Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt Nam đã được tiến hành tại thủ đô Hà Nội, trên cơ sở Quyết định thành lập Hội Khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ tháng 2-1996.
 

Chương trình hỗ trợ học sinh nghèo của tổ chức Đông Tây Hội ngộ đã bắt đầu từ 2003 với số học sinh được tài trợ tăng dần theo thời gian. Đến nay đã có 279 học sinh được tài trợ từ chương trình này. TRONG ẢNH: Lễ trao học bổng cho học sinh xã Hòa Bắc.

Sự ra đời của Hội Khuyến học Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo chủ trương của Đảng, Nhà nước: “Giáo dục-đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”.
 
Sự ra đời Hội Khuyến học Việt Nam còn nhằm mục đích hỗ trợ cho công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục, thực hiện chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đồng thời khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông từ ngàn xưa được đặc biệt phát huy mạnh mẽ theo tư tưởng Hồ Chí Minh từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
 
Vì thế, một trong những nhiệm vụ cơ bản do Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt Nam đề ra là góp sức phấn đấu cho sự công bằng xã hội và quyền lợi học tập của mọi người và mọi vùng đất nước nhằm nâng cao năng lực và trí tuệ của toàn dân trước thách thức của thời đại, để thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xây dựng con người Xã hội chủ nghĩa là yếu tố quyết định.

Ở Đà  Nẵng, Hội Khuyến học thành phố được hình thành trên cơ sở tổ chức tiền thân Hội Khuyến học Quảng Nam-Đà Nẵng, thành lập ngày 26-10-1991 theo Quyết định 1730/QĐ-UB của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Như vậy Hội Khuyến học thành phố ra đời trước Hội Khuyến học Việt Nam 5 năm. Thầy Phạm Đình Hảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng cho rằng, Hội Khuyến học ra đời là trả lời cho được câu hỏi:

Trước thách thức của xã hội, sau ngày giải phóng (1975), tuy giáo dục có chỉnh đốn và phát triển, nhưng “Đến bao giờ học sinh nghèo của xứ Quảng được học hành đến bậc phổ thông?”. Hơn nữa, Hội Khuyến học ra đời còn là mong muốn phát huy truyền thống hiếu học của người dân xứ Quảng, nối tiếp hoạt động khuyến học của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đề xướng từ thập niên 30 của thế kỷ 20 và tồn tại cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; mặt khác để thực hiện cho được mong ước tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là làm cho  dân có cơm ăn, áo mặc và được học hành.

Sau 5 năm thành lập, tổ chức Hội đã phát triển đến 71% số huyện, thị, 40% xã, phường, kết nạp được 1.350 hội viên; Quỹ khuyến học tăng gấp 6 lần so với chỉ tiêu ban đầu (1,6 tỷ/300 triệu đồng). Đến cuối năm 2003, tổ chức Hội hình thành 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở; phát triển đến đều khắp 100% quận, huyện, xã, phường và 56,7% Chi hội khối phố, trường học, gia tộc, cơ quan, nhà chùa, xứ đạo. Ban chấp hành Hội tăng cường chỉ đạo xây dựng mô hình tổ chức cơ sở “Mạnh về tổ chức, hiệu quả về hoạt động”, có tác dụng tốt trong khu dân cư, trường học, gia tộc.

90% Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường được thành lập, trong đó có gần 1/2 số trung tâm hoạt động có chất lượng, nhiều hộ gia đình được công nhận là “Gia đình hiếu học”, đạt 50% số hộ đăng ký. Đối tượng là người lớn cũng đã tham gia học tập vào các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, chuyển giao công nghệ vật nuôi, cây trồng... Một xã hội học tập đang được định hướng, định hình rõ nét. Các hoạt động của Hội ngày càng ổn định và nâng cao chất lượng như xây dựng các phong trào “Gia đình hiếu học”, “Khu dân cư khuyến học”, “Dòng họ hiếu học”...

Từ đó, nhiều xã, phường xây dựng được các mô hình khuyến học hoạt động hiệu quả, trở thành những điển hình xuất sắc ở các địa phương, nhiều cá nhân tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực trong công tác khuyến học tại các cơ sở. 16 năm sau ngày thành lập, tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín trong cộng đồng dân cư với hơn 88 nghìn hội viên, bằng 11,2% dân số thành phố, gần 53 nghìn hộ dân đăng ký “Gia đình hiếu học”, đạt tỷ lệ 33,2% tổng số hộ dân.
 
Hội đã huy động hơn 16 tỷ đồng cấp học bổng cho 16.500 lượt học sinh, sinh viên, trợ cấp khó khăn cho học sinh và giáo viên hàng trăm triệu đồng, khen thưởng học sinh giỏi các cấp hằng năm hơn 3 tỷ đồng, gần 50% học sinh nghèo mồ côi được cấp học bổng dài hạn. Riêng giải thưởng đặc biệt mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có 182 em được khen thưởng hơn 185 triệu đồng. Đặc biệt, Hội đã hợp tác với Trường Nhật ngữ Đông du thành phố Hồ Chí Minh đưa 150 học sinh du học tại Nhật Bản theo phương thức “vừa học vừa làm”; đến nay đã có 6 học sinh tốt nghiệp bằng thạc sĩ và hơn 100 học sinh đang học đại học và cao học.

Khuyến học, khuyến tài là đạo lý của dân tộc, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Vì lẽ đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định lấy ngày 2-10 hằng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam để động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đây là dịp để tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.

THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.