.
VẤN ĐỀ HÔM NAY

Học phí các trường ĐH, CĐ ngoài công lập bị thả nổi

.

Mức thu học phí ở các trường công lập được Nhà nước quy định nghiêm ngặt bao nhiêu, thì ngược lại, ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập quy định thu học phí bị thả nổi. Do đó, mỗi trường thu mỗi kiểu với mức thu khác nhau, không bảo đảm quyền lợi của sinh viên.

Mỗi trường thu mỗi kiểu

Hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có quy định về mức thu học phí của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. (Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Cao đẳng Đông Á trong buổi giao lưu tư vấn việc làm năm 2008).

Tính đến năm học 2008-2009, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 6 trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang hoạt động, gồm Trường ĐH Duy Tân và 5 trường CĐ: Đông Á, Đức Trí, Phương Đông, Đông Du và CĐ Bách khoa Đà Nẵng. Theo quy định của Nhà nước, mức thu học phí ở các trường ngoài công lập dựa trên sự thỏa thuận giữa nhà trường và người học. Do vậy, các trường tự đặt ra mức thu học phí hằng năm đối với từng ngành học, bậc học và cứ thế, mức thu này cũng tăng dần theo kiểu “leo thang”.

Nguyễn Thị Hồng Phương (quê Quảng Trị), sinh viên năm 4 ngành Ngân hàng Trường ĐH Duy Tân cho biết, nhà trường thu tiền học phí tăng lên theo từng năm học. Cụ thể, năm học 2006-2007: 2.150.000 đồng/học kỳ; 2007-2008: 2.350.000 đồng/học kỳ và 2008-2009 tăng lên: 3.000.000 đồng/học kỳ. Phương nhẩm tính, tất cả chi phí cho mỗi năm học của mình tại Đà Nẵng không dưới 10 triệu đồng. Số tiền này là rất lớn, nhưng chẳng lẽ bỏ học giữa chừng. Vì thế, Phương chỉ còn biết hằng ngày đi làm thêm để phụ giúp gia đình trang trải các khoản chi tiêu.

Tại Trường CĐ Đức Trí, học phí năm học 2008-2009 của các ngành đào tạo cũng tăng lên từ 10 đến 20% so với năm học 2007-2008. Cụ thể, bậc CĐ: Khối ngành kinh tế từ 1.900.000 đến 1.950.000 đồng/học kỳ; kỹ thuật: từ 2.000.000 đến 2.150.000 đồng/học kỳ và khối xây dựng, giáo dục thể chất: từ 2.100.000 đến 2.150.000 đồng/học kỳ. Trước tình trạng học phí cứ “leo thang” theo từng năm học như trên, một sinh viên (quê Hà Tĩnh) đang học năm 3 ngành kinh tế Trường CĐ Đức Trí nói: Bọn em không đủ khả năng thi vào các trường công lập nên mới đi học trường tư. Tuy nhiên, mỗi năm học phí cứ tăng lên, đã đẩy bọn em vào tình thế “ném lao phải theo lao”.

Thu theo điều kiện xã hội

Tìm hiểu ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, chúng tôi thấy, mức thu học phí  của các trường trong năm học 2008-2009 đều tăng từ 10-20% so với những năm học trước. Lý giải về nguyên nhân tăng học phí, ông Đặng Văn Luyến, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Đức Trí cho biết: “Cho đến thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có quy định ràng buộc về tiền thu học phí ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Trong Luật Giáo dục cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng chỉ nói: Nhà trường và người học thỏa thuận về mức thu học phí”. Nên, xét về điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, việc nhà trường tăng học phí là phù hợp, có vậy thì thu mới đủ bù chi.

Ông Lê Ngọc Việt, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Phương Đông thì cho rằng, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên và chất lượng đào tạo mỗi trường mỗi khác, vì vậy, mức thu học phí cũng sẽ khác. Hay nói cách khác là tự cân đối thu chi phù hợp với điều kiện nhà trường và mặt bằng chung so với các trường khác.

Chẳng hạn như Trường CĐ Phương Đông, những ngành được đầu tư cơ sở vật chất để học sinh thí nghiệm thực hành tốt, thì mức thu học phí có thể sẽ cao hơn các trường khác. Ông Việt cho biết thêm, nếu điều kiện kinh tế-xã hội ổn định, không có biến động lớn thì nhà trường sẽ duy trì mức thu ổn định đối với sinh viên; ngược lại, các nhu cầu chi tiêu của xã hội tăng, thì học phí cũng sẽ tăng theo.

Những năm qua, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập ra đời ngày một nhiều đã phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người. Tuy vậy, Nhà nước cũng cần có các quy định về mức thu học phí của các trường ngoài công lập một cách hợp lý. Không nên để nhà trường tự đặt ra mức thu học phí và mỗi năm lại thay đổi theo hướng tăng dần như hiện nay, sẽ trở thành gánh nặng đối với sinh viên nghèo.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.